Chính trị

Đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng

Đỗ Minh (ghi) 10/05/2024 - 19:32

Tại Hội thảo khoa học "Đồng chí Đào Duy Tùng - người Cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng" nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng (20/5/1924 - 20/5/2024) đã có nhiều tham luận. Báo Hànộimới trích đăng ba ý kiến sau:

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương):
Đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng thời kỳ đầu đổi mới

nha-bao-ha-dang.jpg
Nhà báo Hà Đăng. Ảnh: Quang Thái.

Tôi không nghĩ mình đã quá lời khi nói Đào Duy Tùng là Nhà tư tưởng và lý luận xuất sắc của Đảng. Sự thật này được chứng minh, không phải bằng toàn bộ thành tựu trong hơn nửa thế kỷ hoạt động cách mạng của anh (từ năm 1945 đến 1998), trong đó có hơn 40 năm trực tiếp làm công tác tuyên giáo (từ năm 1955 trở đi), chủ yếu bằng đóng góp đặc biệt xuất sắc của anh vào lĩnh vực tư tưởng và lý luận của Đảng thời kỳ đầu đổi mới.

Đồng chí Đào Duy Tùng là Tổng Biên tập Tạp chí Học tập, nay là Tạp chí Cộng sản suốt 17 năm, từ năm 1965 đến 1982. Cũng thời gian đó, anh giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Vì vậy, nói đến Đào Duy Tùng, người ta thường nghĩ về một người làm công tác tư tưởng hơn là một nhà báo.

Tác phẩm báo chí của anh chủ yếu là những bài chính luận, có ký tên hoặc không ký tên. Nét nổi bật là những bài báo ấy đều chứa đựng nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, rõ ràng. Anh ghét lối viết khoa trương, hào nhoáng mà không có nội dung thiết thực. Theo anh, cán bộ biên tập Tạp chí lý luận và chính trị của Đảng không thể chỉ nắm vững nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn phải biết vận dụng các lý luận đó; không những phải nắm vững đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng mà còn phải hiểu rõ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học của đường lối, chính sách, quan điểm.

Cùng làm việc với đồng chí Đào Duy Tùng nhiều năm, tôi cảm nhận ở anh một con người trung thực, khiêm tốn, làm việc hết mình và sống bình dị, nghĩa tình, dễ gần, dễ bộc bạch với nhau những suy nghĩ riêng tư. Anh biết lắng nghe ý kiến của người khác, không phân biệt tuổi tác, thân sơ, cùng chính kiến hay khác chính kiến, miễn là những ý kiến đó chứa đựng cái mới, cái hay, trong tinh thần xây dựng.

GS.TS Mạch Quang Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:
Đồng chí Đào Duy Tùng với việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng

mach-quang-thang.jpg
GS.TS Mạch Quang Thắng. Ảnh: Quang Thái.

Đồng chí Đào Duy Tùng là cán bộ lãnh đạo cao cấp, Ủy viên Trung ương Đảng nhiều nhiệm kỳ và là Ủy viên Bộ Chính trị các nhiệm kỳ VI, VII... Trước khi nước ta chính thức có đường lối đổi mới, tức là trước tháng 12-1986, trước Đại hội VI, đồng chí Đào Duy Tùng đã có tư duy đổi mới rồi. Tôi muốn nhấn mạnh điều này, ở thời điểm năm 2024, bởi vì vẫn có người cho rằng, đồng chí Đào Duy Tùng thuộc vào nhóm người bảo thủ. Hãy khoan duy danh định nghĩa thế nào là bảo thủ, chỉ nhìn vào hành động của đồng chí cũng thấy rõ đồng chí ấy không thuộc vào loại này. Bằng chứng đồng chí là người ủng hộ ngay từ đầu những người đổi mới, tức là ủng hộ tư tưởng đổi mới đất nước, ủng hộ sự ra đời của “Khoán 100”.

Chúng ta biết “Khoán 100” là cách nói gọn điều mà Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100-CT/TƯ ngày 13-1-1981 về cải tiến công tác khoán, mở rộng "khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm lao động và người lao động" trong hợp tác xã nông nghiệp. Đây chính là bước đột phá đầu tiên về đổi mới cơ chế quản lý, kế hoạch hóa và hạch toán kinh tế trong nông nghiệp, góp phần tích cực, quan trọng dẫn đến tư duy của Đại hội VI, sau nữa là tạo ra cơ sở để đến ngày 5-4-1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

Với cương vị Ủy viên Bộ Chính trị và đã có thời gian là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng là người thúc đẩy việc hoàn thiện đường lối đổi mới. Đồng chí Đào Duy Tùng là nhà lý luận xuất sắc, là nhà tư tưởng có uy tín của Đảng. Với những khả năng và phẩm chất ấy, với vị trí công tác là Ủy viên Bộ Chính trị và là Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, là thành viên Tổ Biên tập văn kiện nhiều Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc hình thành và hoàn thiện, phát triển đường lối đổi mới trên nhiều vấn đề. Là nhà lý luận hàng đầu của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng biết dùng báo chí để chuyển tải chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng trong Đảng và ngoài xã hội.

Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Thị Trường Giang:
Đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà tư tưởng - lý luận cấp cao của Đảng

co-giang-hv-bchi.jpg
Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Nguyễn Thị Trường Giang. Ảnh: Quang Thái.

Đồng chí Đào Duy Tùng đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và công cuộc đổi mới đất nước. Đồng chí là tấm gương cộng sản kiên trung, suốt đời tận tụy vì nước, vì dân, phấn đấu không mệt mỏi cho lý tưởng cách mạng. Những quan điểm, tư tưởng của đồng chí về công tác báo chí với tinh thần chiến đấu, thấm nhuần tính Đảng và tính nhân dân sâu sắc vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại.

Có thể nói, với báo chí cách mạng Việt Nam, đồng chí Đào Duy Tùng không chỉ hiện diện với tư cách là người lãnh đạo công tác tư tưởng đối với báo chí, là người trực tiếp lãnh đạo cơ quan báo chí mà còn là nhà báo lớn với những tác phẩm báo chí có giá trị lý luận lâu dài. Những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và định hướng của đồng chí Đào Duy Tùng đối với công tác báo chí, truyền thông của Đảng vẫn còn nguyên giá trị lịch sử và thời đại. Đây là những di sản tinh thần vô cùng quý báu với nền báo chí nước nhà nói chung, mỗi cơ quan báo chí nói riêng, đặc biệt là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động nghề nghiệp của người làm báo.