Khu Công nghệ cao Hòa Lạc phải là một “quận công nghệ cao” của Hà Nội
Chiều 10-5, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì Hội nghị đối thoại tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động công nghệ cao tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Tham dự còn có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy; đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; lãnh đạo các sở, ngành thành phố và tổ chức, doanh nghiệp là nhà đầu tư của các dự án đang hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, doanh nhân
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, đây là hội nghị thứ 2 trong chuỗi 6 hội nghị đối thoại chuyên đề do UBND thành phố Hà Nội lên kế hoạch tổ chức, với mục tiêu thiết lập và duy trì kênh trao đổi thông tin kịp thời, thiết thực, hiệu quả giữa chính quyền thành phố và cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô, đồng thời hỗ trợ và giải quyết nhanh chóng những vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, chính quyền thành phố cam kết luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Thủ đô nói chung và các tổ chức, doanh nghiệp trong Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nói riêng; tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Trước mắt là tập trung cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục đầu tư; hướng tới xây dựng hệ giá trị cốt lõi theo phương châm “Chính quyền phục vụ - Doanh nghiệp cống hiến - Xã hội niềm tin - Người dân hạnh phúc”.
Với tinh thần lắng nghe và cầu thị, thông qua hội nghị này, người đứng đầu chính quyền thành phố mong muốn sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các nhà đầu tư, các chuyên gia, nhà nghiên cứu chính sách, các bộ, ngành… để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý các cấp, mà trực tiếp là đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
Báo cáo về tình hình hoạt động và định hướng phát triển, Phó Trưởng ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Lê Thanh Sơn cho biết, Khu Công nghệ cao đã có hạ tầng kỹ thuật tương đối hiện đại, đồng bộ, đã thiết lập môi trường chính sách đặc biệt và thu hút được một số tập đoàn công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc hiện có 109 dự án đầu tư còn hiệu lực (bao gồm 95 dự án trong nước và 14 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 115.500 tỷ đồng. Trong đó, có 74 dự án đầu tư vào phát triển công nghệ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Các dự án đã đi vào hoạt động đang góp phần tạo việc làm cho khoảng 14.500 người lao động có tay nghề (trong đó có khoảng 10.000 nhân lực công nghệ cao), doanh thu năm 2023 đạt khoảng 30.000 tỷ đồng.
Về hoạt động nghiên cứu và triển khai, đến nay, tính trên cả Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, đã nghiên cứu, tiếp nhận, giải mã, làm chủ và phát triển 52 nhóm công nghệ cao, 47 nhóm sản phẩm công nghệ cao thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, vẫn còn có một số hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà đầu tư như công tác giải phóng mặt bằng chưa được hoàn thành. Tính đến hết năm 2023, diện tích đã giải phóng mặt bằng là 1.425,14/1.586 ha (đạt 89,3%). Ban Quản lý chưa xác định và ban hành được mức thu tiền bồi thường giải phóng mặt bằng tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để các nhà đầu tư nộp tiền, hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Tại hội nghị, đại diện Vụ Công nghệ cao (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã phổ biến, hướng dẫn về Nghị định số 10/2024/NĐ-CP ngày 1-2-2024 của Chính phủ quy định về khu công nghệ cao.
Cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, các sở, ban, ngành và cơ quan liên quan đã đối thoại, giải đáp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, tập trung vào các nhóm vấn đề về đất đai, giải phóng mặt bằng, hạ tầng, chính sách hỗ trợ hoạt động của nhà đầu tư…
Trả lời câu hỏi của đại diện Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) và Tập đoàn FPT về việc sớm hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, Giám đốc Ban Quy hoạch xây dựng và môi trường (Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc) Trần Ngọc Hà cho biết, UBND thành phố đang tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện Thạch Thất, Quốc Oai tập trung nguồn lực hoàn thiện công tác bồi thường, bàn giao hơn 130ha mặt bằng còn lại cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong năm 2024.
Để bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Thị Liễu cho biết, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy sắp tới sẽ quy định cụ thể việc ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn.
Về công tác đầu tư nhà ở tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được nhà đầu tư đặt ra, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, quy hoạch Khu công nghệ cao Hòa Lạc dự kiến dành 75ha (chiếm 4,76% tổng diện tích khu) xây dựng nhà ở lưu trú cho chuyên gia, người lao động. Trường hợp chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở, thành phố đã chỉ đạo lập quy hoạch phân khu đô thị Hòa Lạc, tiếp tục dành quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, đồng thời dành nguồn lực, kể cả ngân sách thành phố, để thực hiện công tác này.
Về quan tâm của nhà đầu tư khi một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước hiện chưa được triển khai, Quyền Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc Phan Thị My cho biết, hiện nay, Ban Quản lý đang thực hiện các thủ tục để khởi công dự án “Hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao Hòa Lạc”, trong đó có các công trình hạ tầng kỹ thuật tại Khu Công nghiệp Công nghệ cao 2 bằng vốn ngân sách nhà nước vào cuối năm 2024, dự kiến hoàn thành vào năm 2026.
Về vấn đề phát triển các cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao được Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc đặt ra, bà Phan Thị My cho biết, sau khi dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Ban Quản lý sẽ tham mưu UBND thành phố đầu tư các không gian nghiên cứu mở, khu vực dành riêng cho triển khai thực nghiệm, thử nghiệm chính sách, thử nghiệm công nghệ, sản phẩm công nghệ cao...
Đối với một số kiến nghị của của nhà đầu tư về bảo đảm sóng điện thoại, mạng internet, điện lưới phục vụ sản xuất, kinh doanh tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị có liên quan sớm giải quyết, ưu tiên chính sách, nguồn lực, hạ tầng để bảo đảm chất lượng các dịch vụ nêu trên cho Khu Công nghệ cao.
Cách tiếp cận mới về “đơn vị hành chính thứ 31”
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho biết, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV sắp tới, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 3 vấn đề lớn liên quan đến Hà Nội, gồm dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và 2 quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Thông tin thêm về 2 quy hoạch lớn của Thủ đô, đồng chí Trần Sỹ Thanh cho biết, Bộ Chính trị đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về nội dung này. “Những khát vọng phát triển của Thủ đô nằm trong hai quy hoạch, còn nguồn lực, thẩm quyền, cơ chế, chính sách thực hiện các quy hoạch sẽ nằm trong Luật Thủ đô”, Chủ tịch UBND thành phố nói.
Nhấn mạnh những vấn đề cụ thể rút ra sau hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng đầu tiên vẫn là thể chế dành cho Khu Công nghệ cao Hòa Lạc. Trong đó, UBND thành phố sẽ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ nghị định mới thay thế Nghị định 74/2017/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu Công nghệ cao Hòa Lạc để giải quyết những vấn đề cốt lõi trong hoạt động của Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.
Bên cạnh đó, đồng chí Trần Sỹ Thanh cho rằng, với cách tiếp cận, tầm nhìn “Khu Công nghệ cao Hòa Lạc là đơn vị hành chính thứ 31 của thành phố Hà Nội”, đơn vị này cần được trao thẩm quyền quản lý nhà nước trọn vẹn, bảo đảm các điều kiện về giao thông, y tế, giáo dục…, chứ không đơn thuần xác định đây là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố. Từ cách tiếp cận đó, tháo gỡ căn cơ các khó khăn, vướng mắc hiện hữu.
“Cần tiếp cận Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ góc độ là một quận công nghệ cao của thành phố”, Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học, công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), Quỹ đầu tư phát triển thành phố Hà Nội thực hiện ký kết và trao đổi thỏa thuận hợp tác. UBND thành phố Hà Nội cũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một số dự án đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.