Kinh tế

Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ 7 liên tiếp

Thu Trang/Báo Tin tức 09/05/2024 - 11:54

Sáng 9-5, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023. Quảng Ninh đứng ở vị trí số 1 ở cả hai chỉ số này.

Chú thích ảnh
Top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất năm 2023.

Theo Bảng xếp hạng chỉ số PCI năm 2023 của các địa phương trên cả nước, với 71,25 điểm, Quảng Ninh vẫn tiếp tục giữ vị trí số 1, dẫn đầu bảng xếp hạng PCI; giữ vị trí Á quân là Long An; các vị trí tiếp theo là Hải Phòng, Bắc Giang, Đồng Tháp… Đây là năm thứ 7 liên tiếp Quảng Ninh dẫn đầu PCI và năm thứ 11 nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước.

Trong đó, Hậu Giang được ghi nhận có bước chuyển từ Top 20 của PCI 2022 sang Top 10 của PCI 2023, đánh dấu chuỗi cải thiện thứ hạng liên tục từ năm 2017 tới nay. Phú Thọ được các doanh nghiệp đánh giá cao về chất lượng đào tạo lao động...

Về Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023, Quảng Ninh có tổng điểm của cả 4 chỉ số thành phần là cao nhất, dẫn đầu bảng xếp hạng với 26 điểm. Các vị trí tiếp theo là Đà Nẵng, Đồng Nai, Hưng Yên, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là bộ chỉ số được khởi xướng từ năm 2022 với ý nghĩa góp phần chung tay từ phía cộng đồng doanh nghiệp, chính quyền địa phương vào thực hiện chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Chính phủ về giải quyết những thách thức lớn toàn cầu, trong đó có các vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.

Cũng như năm ngoái, PCI năm 2023 không công bố thứ hạng của nửa cuối bảng xếp hạng. Mục tiêu được lý giải là nhằm khuyến khích các địa phương tập trung nỗ lực bước vào nhóm dẫn đầu PCI hằng năm.

Ở vị trí phía dưới Top 30, hai đầu tàu kinh tế của cả nước là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội bám sát nhau ở vị trí 27 và 28. Nếu so với lần xếp hạng trước, thành phố Hồ Chí Minh thành công trong việc trụ hạng, còn Hà Nội mất tới 8 bậc.

Trong khi đó, Hải Dương, Bình Thuận, Ninh Bình, Tây Ninh, Đắk Nông, Cà Mau, Tiền Giang và Thanh Hóa là các gương mặt mới của Top 30 so với lần xếp hạng trước. VCCI cho rằng, đây là dấu hiệu cho thấy các tỉnh ở nhóm sau có sự bám đuổi và bứt phá mạnh mẽ để bước vào Top 30 của bảng xếp hạng PCI.

Tính theo tỷ lệ các tỉnh trong từng vùng thuộc Top 30 của PCI 2023, vùng Đồng bằng sông Hồng đứng đầu (63,6%), tiếp theo là các vùng Đồng bằng sông Cửu Long (61,5%), Đông Nam Bộ (50%), Duyên hải miền Trung (42,9%) và Tây Nguyên (20%).

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kết quả khảo sát phản ánh trong báo cáo PCI và PGI 2023 đã cho thấy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực tích cực của chính quyền các tỉnh, thành phố trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh so với trước đây. Đó là chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tiếp tục xu hướng cải thiện theo thời gian, với điểm số chỉ số PCI tổng hợp tại tỉnh trung vị của cả nước đạt 66,66 điểm năm 2023, tăng gần 1,44 điểm so với năm 2022.

Nhiều tỉnh tiếp tục duy trì và có sáng kiến mới trong cải thiện môi trường kinh doanh. Đáng chú ý, các tỉnh nhóm cuối đang vươn lên mạnh mẽ nhờ tận dụng tốt “lợi thế của người đi sau” khi tích cực học hỏi, áp dụng những bài học thành công từ nhóm tỉnh có chất lượng điều hành cao hơn.

Cùng với đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp có chuyển biến tích cực. Hầu hết các chỉ tiêu đánh giá về công tác triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của năm 2023 đều có sự cải thiện so với năm 2022.

“Chi phí không chính thức tiếp tục chiều hướng giảm. Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết phải chi trả chi phí không chính thức năm 2023 là 33,3%, giảm mạnh từ mức 66% của các năm 2015-2016 và mức kỷ lục 70% vào năm 2006 khi chỉ tiêu này lần đầu tiên được đưa vào khảo sát. Thủ tục gia nhập thị trường thuận lợi hơn, ghi nhận những chuyển biến tích cực trong việc giải quyết thủ tục hành chính trong đăng ký doanh nghiệp”, ông Phạm Tấn Công cho biết.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, cải cách thủ tục hành chính đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt khoảng 77% doanh nghiệp cho biết việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến giúp tiết giảm nhiều thời gian và chi phí hơn cho doanh nghiệp so với các phương thức truyền thống. Điều này cho thấy những nỗ lực chuyển đổi số của các địa phương đã mang lại kết quả tích cực.

Đồng thời, báo cáo PCI và PGI 2023 ghi nhận những chuyển động tích cực trong môi trường kinh doanh Việt Nam từ góc nhìn của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đang trên đà phục hồi ổn định sau đại dịch COVID-19. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI tuyển thêm lao động tăng từ 55,8% năm 2022 lên 59,9% năm 2023. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp FDI có sự cải thiện khá khả quan: Tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lãi trong năm 2023 tăng nhẹ lên mức 46,5%; tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ giảm xuống 42,3%.

Cùng với đó, gánh nặng thực thi quy định của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã giảm bớt theo thời gian, với tỷ lệ doanh nghiệp gặp phiền hà trong việc thực hiện thủ tục hành chính tiếp tục xu hướng giảm của các năm trước. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp FDI gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục thuế giảm xuống 16% so với mức 27% năm 2022. Thủ tục về bảo hiểm xã hội đã giảm từ 15% năm 2022 xuống còn 8% năm 2023.

Cơ cấu ngành sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI cũng có sự dịch chuyển tích cực sang các ngành công nghệ và dịch vụ chuyên sâu của kinh tế tri thức. Nhiều doanh nghiệp FDI hơn đã sử dụng hàng hóa, dịch vụ đầu vào từ doanh nghiệp trong nước. Tỷ lệ doanh nghiệp FDI sử dụng nhà cung cấp là các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã tăng dần qua các năm, đáng chú ý là mức từ 63,3% năm 2022 lên 75% năm 2023. Xu hướng đáng khích lệ này một phần đến từ nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI kết nối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước, đồng thời là một chỉ báo quan trọng về khả năng hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp trong nước đã có sự cải thiện.

“Tuy nhiên, báo cáo PCI và PGI 2023 cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng có một số điểm cần quan tâm. Từ phản ánh của doanh nghiệp, có thể thấy trở ngại trong tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng, môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng với các DNNVV, tính năng động, tiên phong của cán bộ chính quyền địa phương có dấu hiệu chững lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang gặp phải nhiều khó khăn trong hoạt động. Những khó khăn chủ yếu bao gồm tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, biến động thị trường, biến động chính sách, pháp luật, tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu”, ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.