Nông thôn mới

Huyện Thanh Oai: Kỳ vọng bứt phá từ quy hoạch hạ tầng khung

Đỗ Minh 09/05/2024 - 06:45

Theo định hướng, huyện Thanh Oai là vành đai xanh và trở thành một quận sinh thái của thành phố Hà Nội vào năm 2028. Để đạt được mục tiêu này và tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, huyện đã và đang triển khai các quy hoạch với tính chất mở.

Trong đó, Thanh Oai đặc biệt chú trọng đến hạ tầng giao thông, đô thị…

thanh-oai.jpg
Hạ tầng giao thông tại huyện Thanh Oai đang được đầu tư ngày càng đồng bộ, khang trang.

Chú trọng quy hoạch và phát triển giao thông

Huyện Thanh Oai xác định, công tác quy hoạch luôn phải đi trước, từ đó có những kế hoạch cụ thể, phù hợp, sát với mục tiêu, điều kiện phát triển, gắn với thế mạnh của từng địa phương.

Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai Nguyễn Ngọc Minh cho biết, trong những năm qua, Thanh Oai luôn chú trọng thực hiện công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, xây dựng theo quy định. Từ quy hoạch chung của thành phố Hà Nội, huyện đã nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch phù hợp với quy hoạch thành phố. Đặc biệt, trên cơ sở quy hoạch chung, huyện đã tổ chức lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, huyện tập trung rà soát, đánh giá việc thực hiện Quyết định số 519/QĐ-TTg (ngày 31-3-2016) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn Thanh Oai.

Cùng với đó, huyện đã thẩm định và phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp, quy hoạch các xã, trụ sở đơn vị, cơ quan…; mở rộng tuyến quốc lộ 21B trên địa bàn huyện; tổ chức kiểm tra, rà soát hiện trạng các tuyến đường, xây dựng kế hoạch duy tu một số tuyến đường do huyện quản lý. Đồng thời, huyện mở rộng các tuyến đường giao thông trục dọc và trục ngang kết nối trong huyện và địa bàn lân cận, nhằm khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường. Tính từ năm 2022 đến nay, huyện Thanh Oai đã khởi công nhiều tuyến đường mới và cải tạo sửa chữa gần 49km đường, tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông của huyện Thanh Oai những năm qua, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho rằng, huyện Thanh Oai có nhiều điều kiện để phát triển, song sự chuyển dịch về hạ tầng giao thông còn chậm, chưa đáp ứng điều kiện phát triển hiện nay. Do đó, định hướng quy hoạch, quy hoạch, triển khai xây dựng theo quy hoạch là việc làm cấp thiết của huyện Thanh Oai.

Hiện thực hóa mục tiêu trở thành quận sinh thái

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Thanh Oai định hướng phát triển đô thị xanh, sinh thái, trung tâm kinh tế phía Tây Nam Hà Nội. Để phù hợp với điều kiện phát triển mới, huyện Thanh Oai đã đề xuất cập nhật vào Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Oai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 một số quy hoạch mang tính đột phá... Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Thanh Oai Nguyễn Ngọc Minh cho biết, để đáp ứng điều kiện phát triển hiện nay, huyện đã đề xuất điều chỉnh nội dung, tính chất và chức năng của vùng huyện Thanh Oai trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Theo đó, Thanh Oai sẽ là vùng sinh thái, phát triển đô thị hiện đại; vùng sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp làng nghề; phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, logistics và phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Thủ đô. “Huyện đề xuất điều chỉnh để có thể phát triển đô thị theo mô hình nén, tập trung ở các xã phía Bắc và Tây Bắc, hình thành những khu đô thị thông minh dọc các trục giao thông quan trọng. Khu vực trung tâm huyện được định hướng phát triển thành khu đô thị sinh thái, với hệ thống cây xanh, hồ điều hòa rộng khắp. Trong lĩnh vực kinh tế, Thanh Oai sẽ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và logistics hiện đại khu vực phía Nam Thủ đô. Hệ thống các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, phát triển đồng bộ. Ngoài ra, huyện phát triển thương mại, dịch vụ, thể thao, các khu du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh…”, ông Nguyễn Ngọc Minh thông tin.

Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, một trong những thế mạnh của huyện Thanh Oai là có hệ thống giao thông kết nối và huyện sẽ khai thác lợi thế này để có thể bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội qua huyện Thanh Oai có chiều dài 7,9km, nên huyện sẽ quy hoạch không gian ngầm kết nối trung tâm thành phố với tuyến đường Vành đai 4 đoạn qua địa bàn huyện Thanh Oai và tuyến đường trục phát triển phía Nam đi các khu du lịch tâm linh, như: Chùa Hương (Hà Nội), Tam Chúc (Hà Nam), Bái Đính (Ninh Bình). Đồng thời, quy hoạch tuyến đường kết nối xã Phương Trung - Đỗ Động thành tuyến đường tỉnh kết nối với các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín với mặt cắt ngang khoảng 40m-60m, có 6-8 làn xe.

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, để đạt được các mục tiêu, Thanh Oai cần phát huy tối đa thế mạnh từ hạ tầng khung trong quy hoạch tổng thể và chi tiết quy hoạch; định hướng quy hoạch của Thanh Oai phải gắn với thế mạnh từng vùng, về vị trí địa lý cũng như điều kiện phát triển.