Các mối đe dọa đối với an ninh lương thực gia tăng: Thêm hồi chuông cảnh báo
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cùng Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo khi các mối đe dọa đối với an ninh lương thực đang gia tăng trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng tại các điểm nóng về nạn đói.
Trong khi đó, các chính phủ đang phải vật lộn với hậu quả do giá cả hàng hóa biến động, bất ổn địa chính trị và môi trường gia tăng.
Báo cáo Chỉ số An ninh lương thực (FSI) vừa công bố cho thấy, 135 quốc gia trên thế giới đang chứng kiến rủi ro an ninh lương thực gia tăng kể từ quý IV-2022. Số liệu cũng chỉ ra nguy cơ đe dọa an ninh lương thực tiếp tục tăng cao ở khu vực thuộc các nước đang phát triển tại châu Phi, châu Á và châu Mỹ - nơi nghèo đói, xung đột và quản trị kém có thể kết hợp với nhau để tạo điều kiện cho khủng hoảng lương thực có thể xảy ra.
Đứng đầu danh sách các nước đang đối mặt với khủng hoảng lương thực là Yemen, tiếp theo là Somalia. Đây là hai quốc gia đang hứng chịu tình trạng bạo lực kéo dài và quản lý kém hiệu quả, khiến hàng triệu người rơi vào tình trạng đói ăn. Afghanistan và Haiti cũng nằm trong danh sách 5 quốc gia có nguy cơ cao nhất trên toàn cầu.
Còn theo báo cáo của WFP, số lượng người bị đói trên toàn cầu đã tăng gần 46 triệu người kể từ năm 2020 và tăng 150 triệu người kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Hơn 2,4 tỷ người, tương đương với 30% dân số trên toàn thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ vừa phải hoặc nghiêm trọng. Nạn đói không chỉ gây ra những hậu quả về sức khỏe thể chất như suy dinh dưỡng, chậm phát triển mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của con người.
Đáng chú ý, tình trạng mất an ninh lương thực cũng đang gia tăng ngay cả ở các quốc gia giàu có. Ở Anh, từ năm 2022 đến năm 2023, số trẻ em sống trong tình trạng thiếu lương thực gần như tăng gấp đôi, lên 4 triệu trẻ. Tại Australia, 3,7 triệu hộ gia đình gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực trong năm 2023.
Nhà phân tích Jimena Blanco cảnh báo, rủi ro mất an ninh lương thực gia tăng có thể gây ra hiệu ứng domino, làm gián đoạn mạng lưới nông nghiệp, vận tải và phân phối, từ đó thúc đẩy sự biến động chi phí đầu vào và hạn chế tỷ suất lợi nhuận. Sức mua của người tiêu dùng giảm sút sẽ làm thay đổi mô hình tiêu dùng và làm tăng thêm sự bất ổn về kinh tế. Những động lực liên kết với nhau này đặt ra thách thức ghê gớm với các doanh nghiệp của ngành công nghiệp thực phẩm cũng như chuỗi lương thực toàn cầu.
Theo các cơ quan lương thực thế giới, nguồn cung các loại thực phẩm thiết yếu đang bị ảnh hưởng do sự gián đoạn trong dòng chảy thương mại nông nghiệp liên quan đến xung đột ở châu Âu và Trung Đông. Cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục tác động đến nguồn cung lúa mì, lúa mạch và dầu hướng dương toàn cầu. Trong đó, Nga và Ukraine đều là những nhà xuất khẩu lớn. Cuộc khủng hoảng an ninh hàng hải ở Biển Đỏ cũng đã gây ra bất ổn tới những chuyến hàng thực phẩm qua kênh đào Suez. Đồng thời, rủi ro an ninh lương thực ngày càng trở nên trầm trọng hơn do tác động của thời tiết khắc nghiệt, mùa màng kém hiệu quả khiến các nhà sản xuất nông nghiệp lớn áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với các loại cây trồng chủ lực như gạo và hành tây.
Dự báo, sự gián đoạn nguồn cung thực phẩm do khí hậu sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn trong những năm tới. Nhiệt độ trái đất tăng lên do khí phát thải nhà kính đe dọa sản lượng nông nghiệp ở các quốc gia hiện chiếm 25% xuất khẩu thực phẩm của thế giới trong vòng 25 năm tới. Các vựa lúa mì lớn, bao gồm Brazil, Ấn Độ và Australia, nằm trong số những quốc gia phải đối mặt với rủi ro cao nhất.
Theo đánh giá của các chuyên gia Liên hợp quốc, để đối phó với tình trạng báo động về mất an ninh lương thực, cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế, các quốc gia, tổ chức phi chính phủ và mỗi cá nhân. Các giải pháp nên tập trung vào tăng cường sản xuất lương thực bền vững, giảm thiểu lãng phí thực phẩm và hỗ trợ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Nếu không kịp thời triển khai những giải pháp phù hợp, mất an ninh lương thực sẽ mang đến một hệ số rủi ro nghiêm trọng, có thể gây ra tình trạng bất ổn xã hội và bất ổn chính trị, đồng thời cản trở sự phát triển nguồn nhân lực, làm suy yếu khả năng phục hồi kinh tế - xã hội cả hiện tại và tương lai.