Ngành Giáo dục Hà Nội: Nâng chất lượng dạy và học từ chuyển đổi số
Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục Hà Nội có nhiều dấu ấn về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, qua đó đã hỗ trợ tích cực cho công tác dạy, học, tăng tính minh bạch trong tuyển sinh.
Nhiều giải pháp về chuyển đổi số được các nhà trường tích cực triển khai, góp phần nâng chất lượng dạy, học, đặc biệt là tạo thêm thuận lợi, giảm vất vả cho phụ huynh học sinh.
Yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng
Năm học 2023-2024, thành phố Hà Nội có hơn 2.800 trường học với 2,3 triệu học sinh. Xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không chỉ là xu thế, mà còn là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập, các nhà trường đều chủ động triển khai nhiều giải pháp.
Tháng 10-2023, lần đầu tiên việc sinh hoạt chuyên môn của giáo viên các trường phổ thông được thực hiện bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Theo đó, tại Trường Trung học phổ thông Đan Phượng (huyện Đan Phượng), học sinh được giáo viên dạy giỏi của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (quận Tây Hồ) trực tiếp dạy. Tiết học được kết nối với hơn 200 điểm cầu, giúp hàng chục nghìn học sinh cùng học tập, giáo viên cùng thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm... Đến nay, đã có hàng trăm tiết dạy như vậy được triển khai, giúp học sinh được học với nhiều thầy, cô giáo giỏi. Giáo viên giữa các quận, huyện cũng thêm gắn kết, tăng ý thức trách nhiệm và cùng hỗ trợ nhau nâng chất lượng giảng dạy…
Từng tham dự tiết dạy qua hình thức trực tuyến của giáo viên giỏi của Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng (quận Ba Đình), cô giáo Trần Thị Loan, Trường Trung học phổ thông Tân Lập (huyện Đan Phượng) cho biết, đã học được từ đồng nghiệp về sự đổi mới sáng tạo trong ứng dụng công nghệ thông tin. Ứng dụng công nghệ không chỉ tạo hứng thú, mà còn hỗ trợ đắc lực cho học sinh trong ghi nhớ, giải quyết vấn đề...
Không chỉ vậy, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Minh Quang (huyện Ba Vì) Nguyễn Duy Bỉnh cho biết, nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ, phụ đạo cho học sinh lớp 12. Tùy thời điểm, từng môn học và nhóm học sinh, giáo viên sắp xếp thời khóa biểu hỗ trợ học sinh bằng hình thức trực tuyến. Với cách thức này, 3 năm gần đây, chất lượng giáo dục “đầu ra” có chuyển biến rõ rệt so với “đầu vào”. Từ mức hơn 3 điểm/môn khi tuyển sinh, tỷ lệ tốt nghiệp đã đạt 100%; 100% học sinh đủ điểm sàn các tổ hợp xét tuyển đại học, tỷ lệ đạt từ 18 điểm trở lên chiếm 70%.
Ưu tiên bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số
Điểm nhấn đáng chú ý về chuyển đổi số của ngành Giáo dục Hà Nội trong năm học 2023-2004 còn là việc thí điểm triển khai học bạ số ở gần 800 trường tiểu học.
Theo Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Đào Tân Lý, 100% các trường học đều đã trang bị máy tính kết nối internet; 100% hồ sơ học sinh được gắn mã số định danh; hơn 60% số giáo viên được trang bị chữ ký số cá nhân... Đây là những điều kiện thuận lợi để Hà Nội triển khai thí điểm thành công học bạ số. Dữ liệu học tập được số hóa, phụ huynh sẽ bớt vất vả khi làm thủ tục chuyển trường hoặc nộp hồ sơ tuyển sinh. Việc này cũng sẽ tăng tính minh bạch, chính xác và độ tin cậy trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về việc chấm dứt tình trạng phụ huynh học sinh xếp hàng ở cổng trường để nộp hồ sơ tuyển sinh, từ đầu năm tới nay, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường chuẩn bị điều kiện triển khai tuyển sinh trực tuyến. Thực tế, hình thức tuyển sinh trực tuyến với các lớp đầu cấp (mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10) đã được Hà Nội triển khai từ nhiều năm nay, tỷ lệ hồ sơ đăng ký trực tuyến hằng năm ở các cấp học đều chiếm trên 80%, nhưng mới chỉ thực hiện ở các trường công lập. Điểm mới năm nay của Hà Nội là áp dụng với 100% các trường tư thục, trường nào không tuân thủ thì không được giao chỉ tiêu tuyển sinh.
Là phụ huynh vừa đăng ký xét tuyển cho con vào lớp 10 Trường Trung học cơ sở & Trung học phổ thông Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng), ông Lê Minh Quang ở quận Hoàn Kiếm cho biết, ban đầu ông rất lo lắng bởi năm ngoái, ở trường Tạ Quang Bửu, phụ huynh phải xếp hàng từ nửa đêm mới nộp được hồ sơ. Năm nay, qua hệ thống tuyển sinh trực tuyến, mọi thông tin và quy trình xét tuyển đều được công khai, minh bạch, thuận lợi.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, toàn ngành xác định chuyển đổi số là nội dung cần ưu tiên bố trí nguồn lực. Hiện toàn ngành đang tập trung triển khai sử dụng chữ ký số trong giáo viên; phát triển kho học liệu số toàn ngành và khai thác, phát huy hiệu quả Hệ thống ôn tập, kiểm tra trực tuyến Hanoi.Study. Sở cũng đã báo cáo thành phố về việc tăng cường đầu tư hạ tầng phục vụ chuyển đổi số; triển khai kế hoạch nâng cao kỹ năng cho giáo viên…