Cần giải pháp mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
Ngày 8-5, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội do đồng chí Phạm Thị Thanh Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố làm trưởng đoàn đã khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội giai đoạn 2020-2023 trên địa bàn thành phố.
Báo cáo tại tại buổi khảo sát, Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, số người tham gia BHXH hằng năm của thành phố đều đạt và vượt kế hoạch được giao.
Năm 2020, số người tham gia BHXH là 1.846.011 người đến năm 2023 số người tham gia là 2.164.037 người (trong đó BHXH bắt buộc là 2.057.698 người, BHXH tự nguyện là 106.339 người), tăng 318.026 người, tăng 17,2% so với năm 2020. Về số người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng dần qua các năm, năm 2020 có 48.674 người tham gia BHXH tự nguyện, đến năm 2023 đã có 106.339 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 57.665 người tương ứng tăng 118,5% so với năm 2020.
Về kết quả thu hằng năm, Bảo hiểm xã hội thành phố luôn hoàn thành và vượt chỉ tiêu thu BHXH, BHXH tự nguyện do Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giao, số thu năm sau cao hơn năm trước: Năm 2020 tổng số thu BHXH là 33.321 tỷ đồng, đến năm 2023 là 44.138 tỷ đồng, tăng 10.817 tỷ đồng, tăng 32,5% so với năm 2020. Tổng số thu giai đoạn 2020-2023 là 152.190 tỷ đồng, bình quân mỗi năm tăng 9,7%.
Tuy nhiên, đối với tình hình chậm đóng BHXH, năm 2020, toàn thành phố có 43.834 đơn vị chậm đóng, trong đó số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 1.306,6 tỷ đồng (tăng 392,7 tỷ đồng so với năm 2019), tỷ lệ chậm đóng 2,58%. Đến năm 2023, toàn thành phố có 53.239 đơn vị chậm đóng trong đó số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 1.537,8 tỷ đồng, tỷ lệ số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi là 2,3% (giảm 0,28% so với năm 2020). Bên cạnh đó, số chậm đóng không thể thu hồi đến 31-12-2023 có 15.524 đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể với số tiền chậm đóng là 1.765,5 tỷ đồng chiếm 41,44% tổng số tiền chậm đóng…
BHXH thành phố cũng kiến nghị, đề xuất Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội về tiếp tục tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tạo động lực khuyến khích người dân tham gia; điều chỉnh giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tự nguyện; thống nhất giữa Luật Bảo hiểm xã hội và Luật Bảo hiểm y tế; bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cầm cố, mua bán sổ BHXH; hành vi mượn hồ sơ, giấy tờ của người khác để tham gia quan hệ lao động và tham gia BHXH…
Đồng thời đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về việc xử lý số tiền chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế đối với các đơn vị, doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, chưa hoàn thành việc trích, đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho người lao động. Đề nghị Thành ủy, HĐND, UBND thành phố tiếp tục hỗ trợ mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế cho người dân trên địa bàn thành phố Hà Nội như người đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi từ 60 đến dưới 70 tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn chưa có lương hưu, trợ cấp xã hội.
Sau khi nghe một số sở, ngành, BHXH quận, huyện, đại diện khối doanh nghiệp và các thành viên trong đoàn trao đổi, phát biểu kết luận khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc.
Đồng chí Phạm Thị Thanh Mai đánh giá, thực trạng về công tác truyền thông chính sách, mặc dù truyền thông chính sách bảo hiểm rất tốt, nhưng vẫn chưa truyền tải đến người lao động và chủ sử dụng lao động. Do đó, ngành Bảo hiểm xã hội cần phải tăng cường hơn về công tác này. Bên cạnh đó, cần đưa ra các giải pháp trọng tâm nào để mở rộng đối tượng tham gia BHXH trong thời gian tới; giải pháp nào để giảm thiểu tối đa phát sinh các doanh nghiệp nợ đọng BHXH.
Đối với nội dung kiến nghị, đề xuất của ngành, thay mặt đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, đồng chí Phạm Thị Thanh Mai cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền và mong muốn tiếp tục nhận được kiến nghị để hoàn thiện Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).