Ngăn nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong mùa hè
Liên tiếp các vụ ngộ độc thực phẩm với hàng trăm người phải nhập viện trong thời gian gần đây là hồi chuông cảnh báo về công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Vì vậy, ngay tại thời điểm này, các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là trong dịp hè.
835 người bị ngộ độc trong 4 tháng đầu năm
Thời gian qua, công tác quản lý an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả. Tuy nhiên, số vụ ngộ độc, số người mắc ngộ độc thực phẩm vẫn còn nhiều.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4-2024, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm, với 267 người bị ngộ độc. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, cả nước xảy ra 24 vụ ngộ độc thực phẩm với 835 người bị ngộ độc, trong đó có 3 người tử vong.
Nguyên nhân được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ ra là do thời tiết thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, nhất là vi khuẩn gây bệnh đường ruột, động thực vật chứa độc tố tự nhiên (nấm độc, côn trùng, cây, quả rừng, thủy - hải sản…); ô nhiễm môi trường và thiếu nước sạch để chế biến, vệ sinh dụng cụ. Thêm vào đó, quá trình chế biến, bảo quản thực phẩm chưa đúng cách, cùng với ý thức chấp hành quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của một số cơ sở sản xuất, chế biến chưa nghiêm…
Gần đây nhất là vụ ngộ độc tại tỉnh Đồng Nai với 555 ca nhập viện (tính đến sáng 4-5) sau khi ăn bánh mì tại cơ sở bánh mì Băng (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) tiếp tục gây lo ngại. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt, đau bụng, nôn, tiêu chảy… sau khi ăn bánh mì tại cơ sở Băng trong khoảng thời gian từ 15h đến 19h ngày 30-4. Nhiều người đã tự mua thuốc uống tại nhà nhưng không khỏi nên nhập viện vào sáng 1-5. Theo chủ tiệm bánh mì, trong ngày 30-4, cơ sở này phục vụ 1.100 chiếc bánh mì.
Từ vụ việc nêu trên, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Hùng Long đề nghị, ngành Y tế tỉnh Đồng Nai tập trung mọi nguồn lực để điều trị cho các bệnh nhân, nhất là những trường hợp nặng. Bên cạnh đó, khẩn trương điều tra xác định rõ nguyên nhân xảy ra vụ ngộ độc theo quy định.
Trước đó, vụ ngộ độc xảy ra vào giữa tháng 3-2024 tại quán cơm gà Trâm Anh (đường Bà Triệu, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cũng đã khiến 369 người phải đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị. Vi khuẩn gây ngộ độc trong vụ việc này là Salmonella spp, Bacillus cereus, Staphylococcus aureus được tìm thấy trong cơm, gà xé, sốt trứng, rau dưa chua, hành phi. Cơ quan chức năng đã đình chỉ hoạt động của quán cơm gà này.
Tập trung vào các mặt hàng có nguy cơ
Riêng tại Hà Nội, dù thời điểm này chưa có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra, nhưng ngay trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15-4 đến 15-5), các quận, huyện, thị xã đã tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng có nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm trong mùa hè. Từ đây, lực lượng chức năng đã kịp thời phát hiện các lỗi vi phạm hoặc các biểu hiện có nguy cơ để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Đơn cử tại địa bàn huyện Hoài Đức có 2.002 cơ sở thực phẩm. Trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, các đoàn kiểm tra của huyện đã kiểm tra 74 cơ sở, xử phạt 7 cơ sở vi phạm. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Trung Thuận, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn quan tâm chỉ đạo và có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành: Y tế, kinh tế, công an, quản lý thị trường… Cùng với đó, công tác tuyên truyền cho cán bộ quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng cũng được đẩy mạnh. Nhờ đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, ý thức về an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và người tiêu dùng được nâng lên rõ rệt.
Các chuyên gia y tế đưa ra cảnh báo, vào mùa hè, nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính tăng gấp nhiều lần so với các mùa khác trong năm. Từ nay đến tháng 8-2024 là thời điểm thường gia tăng các vụ ngộ độc. Do đó, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong yêu cầu, để làm tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm các quận, huyện, thị xã cần tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra các cơ sở, các mặt hàng nguy cơ cao gây mất an toàn thực phẩm, đặc biệt, tập trung kiểm tra hậu kiểm, kiểm tra đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm (nếu có).
Cục An toàn thực phẩm cũng đề nghị, ngành Y tế và cơ quan chức năng các địa phương tập trung thanh tra, kiểm tra các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học và cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai, đóng bình; chú ý các biện pháp giám sát, hướng dẫn phù hợp đối với dịch vụ nấu ăn lưu động, các bữa ăn liên hoan đông người trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm, cơ sở không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (thuộc đối tượng phải cấp). Đồng thời, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.