Hà Nội kết nối

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Bốn phương tụ hội

Bình Yên 07/05/2024 08:05

Những ngày này, cả lòng chảo Điện Biên trở nên sôi động, hào hùng ngập tràn không khí của những ngày chiến thắng 70 năm về trước.

Thành phố Điện Biên Phủ được trang hoàng rực rỡ, đón hàng vạn người dân và du khách từ bốn phương hội tụ về mảnh đất đã làm nên bản hùng ca bất diệt của dân tộc Việt Nam.

dien-bien-phu-8.jpg
Bà Marshall (quốc tịch Australia) trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Hànộimới. Ảnh: Lê Hương

Thăm cứ điểm Him Lam - nơi mở màn chiến dịch

Trong dòng người đổ về Điện Biên để sống lại không khí chiến thắng của 70 năm về trước có chị Nguyễn Thị Bình ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Trải qua gần một ngày trên chuyến xe khách, chị Bình cho chúng tôi biết đã chọn điểm dừng chân đầu tiên là Di tích Him Lam nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ - nơi diễn ra trận mở màn chiến dịch.

Qua lời của thuyết minh viên, chị Bình thêm hiểu rõ, 70 năm về trước, thực dân Pháp xây dựng Điện Biên Phủ thành một “pháo đài bất khả xâm phạm”, thì Trung tâm đề kháng Him Lam là “cánh cửa thép” - nơi đương đầu với những mũi tấn công chính của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đúng 17h5, ngày 13-3-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh “chiến dịch lịch sử bắt đầu”, sau đó trận pháo kích của quân đội ta tấn công dữ dội vào cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau hơn 5 giờ chiến đấu, quân ta đã hoàn toàn làm chủ Trung tâm đề kháng Him Lam, giáng một đòn mạnh mẽ vào Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo thời cơ thuận lợi tiến công tiêu diệt các cứ điểm vòng ngoài của địch là Độc Lập và Bản Kéo, kết thúc đợt tấn công thứ nhất.

Thời gian trôi qua, chị Bình cũng như các du khách cảm nhận rất rõ Him Lam hôm nay là mảnh đất thanh bình, tươi đẹp, đầy sức sống, xứng đáng với những hy sinh to lớn của các thế hệ cha, anh đi trước đã đánh đổi biết bao máu xương để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc mãi trường tồn.

Đồi A1 khoác màu áo mới

Cách trung tâm tỉnh Điện Biên khoảng 3,9km là khu di tích Đồi A1 thuộc địa phận phường Mường Thanh của thành phố Điện Biên Phủ, nằm ở phía Đông cùng các địa danh C1, C2, D, E tạo thành một “sườn núi” lịch sử. Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là một địa danh lịch sử quan trọng và nằm trên đỉnh đồi D1 ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ.

Cách đây 70 năm, sau hiệu lệnh là tiếng nổ của khối bộc phá 960kg và trải qua 8 giờ đồng hồ của đợt tiến công thứ tư, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm A1 vào lúc 4h30 ngày 7-5-1954. A1 - “chìa khóa” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã hoàn toàn bị phá vỡ. Giải phóng được cứ điểm này đã tạo bàn đạp cho các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tấn công và bắt sống tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Đồi A1 hôm nay mang màu áo mới đỏ thắm của hoa phượng, bên cạnh những chứng tích của thời hoa lửa hào hùng. Trong những du khách thăm đồi A1, bà Marshall (quốc tịch Australia) chia sẻ với chúng tôi về cảm nhận của mình: Điện Biên Phủ là một vùng đất tràn đầy sức sống với những người dân tràn đầy năng lượng. Mọi người rất thân thiện, vui vẻ. “Tôi rất xúc động khi được đến thăm di tích đồi A1. Tôi biết thêm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và vô cùng ngưỡng mộ ông, ngưỡng mộ những lời ông nói, cách ông nhìn nhận về cuộc chiến... Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ tuyệt vời và tôi hiểu tại sao người dân Việt Nam lại kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh đến vậy”, bà Marshall nói.

dien-bien-phu-8a.jpg
Du khách tham quan bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Ngọc Hà

Độc đáo Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nằm đối diện với Nghĩa trang Liệt sĩ trên đồi A1. Được khởi công xây dựng từ tháng 10-2012 trên diện tích 22.000m2 và khánh thành vào ngày 5-5-2014, nơi đây được thiết kế với biểu tượng hình nón cụt gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi.

Chị Lò Thị Kim - thuyết minh viên tại điểm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - giới thiệu cho chúng tôi biết: Tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ vui chơi giải trí. Tầng nổi là không gian trưng bày chuyên đề Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ... Phía bên trong được trang trí hình quả trám tượng trưng cho tấm lưới ngụy trang chiếc mũ của bộ đội khi tham gia chiến dịch.

Tại đây, du khách ấn tượng với bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Tác phẩm nghệ thuật hoành tráng, độc đáo này được vẽ bằng chất liệu sơn dầu, trên nền vải toan, trong không gian 360 độ, dài 132m, cao 20,5m, đường kính 42m với tổng diện tích là 3.225m² tái hiện sống động hơn 4.500 nhân vật, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ kết hợp với phần nghệ thuật sắp đặt, trưng bày các hiện vật. Các giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ được tái hiện liên hoàn, kết hợp với các khối nổi và nhiều dụng cụ trong chiến tranh như súng ống, đạn dược, xe pháo, lều bạt và cả hình nộm được sắp đặt chuyển tiếp một cách ăn nhập với hình ảnh trong tranh, đã tạo nên một không gian vừa thực lại vừa ảo, gây ấn tượng cho người xem. Tác phẩm đã khẳng định được đỉnh cao của nghệ thuật hội họa Việt Nam.

Bà Jillian Simpson (quốc tịch Canada) chia sẻ: “Tôi thật sự xúc động khi xem bức tranh panorama. Thật là kỳ diệu khi có những cảm xúc này. Tôi cảm phục việc mọi người sát cánh bên nhau để chiến đấu, giành lại những gì thuộc về đất nước mình. Tôi yêu niềm tự hào dân tộc của các bạn khi thấy mọi người cùng tụ hội về đây để chào mừng một ngày kỷ niệm lớn của đất nước. Thật sự rất đẹp!”, bà Jillian nói.

Còn nhiều địa điểm nữa mà du khách tìm đến, đó là Mường Thanh - cánh đồng lớn nhất Tây Bắc; là Đền thờ liệt sĩ tại chiến trường Điện Biên Phủ - nơi thể hiện sự tri ân, tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với các anh hùng, liệt sĩ và người dân đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đặc biệt là, Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng - cơ quan đầu não quan trọng nhất của chiến dịch lịch sử Điện Biện Phủ…

Chỉ tính trong 5 ngày dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, Điện Biên đã đón 180.000 lượt khách du lịch tới tham quan, trong đó 123 lượt khách quốc tế, 35.000 lượt khách du lịch có lưu trú. Trong những dòng người về Điện Biên có đủ mọi tầng lớp nhân dân, từ các cựu chiến binh dù sức không còn dẻo dai, nhưng vẫn cố gắng trở về Điện Biên để được hội tụ cùng đồng đội; đến những em nhỏ tìm về Điện Biên để thêm thấu hiểu sự hy sinh của cha anh vì độc lập dân tộc; và cả những du khách nước ngoài về Điện Biên để thêm hiểu Việt Nam đã chiến thắng như thế nào.

Bốn phương tụ hội về mảnh đất Điện Biên anh hùng để được sống trong không khí của chiến thắng; để được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những đồng bào, chiến sĩ đã đóng góp to lớn cho cuộc kháng chiến trường kỳ vì độc lập, tự do của Tổ quốc; để nhân lên tình yêu đất nước và quyết tâm dựng xây nước non đẹp giàu.