Văn hóa

Tiến sĩ Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III: Khẩn trương sưu tầm, lưu giữ tư liệu chiến tranh

Khánh Linh thực hiện 07/05/2024 09:28

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Những trang sử vẻ vang ấy đã luôn được ghi nhớ, chép lại bằng nhiều hình thức, tuy nhiên, qua thời gian, chiến tranh, rất nhiều di sản tư liệu đã bị biến mất hoặc có nguy cơ hư hao.

Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia III, một trong những cơ quan có trách nhiệm sưu tầm, lưu giữ, quảng bá, khai thác giá trị kho tàng dữ liệu quý báu này.

dien-bien-phu-5.jpg
Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tiếp nhận tài liệu của gia đình Đại sứ Hà Văn Lâu.

- Thưa Tiến sĩ Trần Việt Hoa, trước nguy cơ dần bị biến mất của các tư liệu chiến tranh, Trung tâm Lưu trữ quốc gia III đã có những hoạt động gì để sưu tầm, lưu giữ và truyền bá những tư liệu quý giá này?

- Trung tâm Lưu trữ quốc gia III là một trong 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, thu thập, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ. Tư liệu về chiến tranh là nguồn tài liệu quan trọng, mang lại nhiều tầng giá trị cho các thế hệ tương lai. Hiện tại, nguồn tài liệu có ý nghĩa lịch sử này còn nằm tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước, nếu được quy tụ về cơ quan lưu trữ thì sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện phông tài liệu lưu trữ, tránh tình trạng tài liệu bị hư hỏng, xuống cấp…

Chính vì thế, thời gian qua, Trung tâm đã tổ chức, bố trí đội ngũ cán bộ, viên chức có đủ năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ thực hiện việc sưu tầm tài liệu, rà soát, nghiên cứu tham mưu cho cơ quan quản lý, xây dựng kế hoạch hằng năm đối với việc sưu tầm tài liệu và tổ chức các đoàn viên chức đến từng gia đình khảo sát, vận động, tạo niềm tin và tăng cường hiểu biết giữa cá nhân, gia đình và cơ quan lưu trữ.

Hiện tại, Trung tâm đã sưu tầm được nhiều tài liệu, hình ảnh, kỷ vật phản ánh các sự kiện, nhân vật lịch sử trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ như sự kiện Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nạn đói năm 1945; Ngày Toàn quốc kháng chiến, chiến dịch Thu Đông năm 1946; chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; sự kiện Ngã ba Đồng Lộc năm 1968; chiến thắng Điện Biên Phủ trên không và sự kiện Thành cổ Quảng Trị năm 1972; sự kiện đàm phán Hiệp định Paris năm 1973; chiến dịch Hồ Chí Minh, sự kiện Giải phóng miền Nam năm 1975; tài liệu về chủ quyền biển đảo…

Tài liệu của các cá nhân đang được bảo quản tại Trung tâm gồm tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà sử học Trần Văn Giáp, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Hoài Thanh, nhà văn Hoàng Ngọc Phách, nhà văn Nguyễn Văn Bổng, Giáo sư xã hội học Phạm Huy Thông, nhà hoạt động Tôn Quang Phiệt, nhà viết kịch Hàn Thế Du, nhà thơ Nguyễn Xuân Sanh, nhà hoạt động sân khấu Lộng Chương, nhà giáo - nhà nghiên cứu lịch sử Lê Thước, Giáo sư sử học Văn Tân, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản…

Đó là chưa kể nguồn tư liệu từ các nhà nghiên cứu lịch sử, nhân chứng lịch sử, phóng viên, nhiếp ảnh chiến trường cùng cá nhân, gia đình cá nhân tiêu biểu đã gửi tặng tài liệu giấy, ảnh, băng, đĩa, dữ liệu, kỷ vật cho Trung tâm. Bên cạnh đó, Trung tâm còn tiếp nhận một số sưu tập lưu trữ từ cá nhân, tổ chức tại nước ngoài gửi tặng như tài liệu về phong trào cộng sản ở Đông Dương, Mặt trận Việt Minh; về Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1930-1954; tài liệu về quan hệ giữa Việt Nam và các nước…

Các tài liệu sau khi sưu tầm, tiếp nhận vào Trung tâm sẽ được khai thác, sử dụng qua các hình thức như sử dụng tài liệu tại phòng đọc, xuất bản ấn phẩm lưu trữ giới thiệu tài liệu trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển lãm, trưng bày tài liệu; trích dẫn tài liệu trong các công trình nghiên cứu và lập bản sao, bản chứng thực tài liệu lưu trữ.

Đặc biệt, những năm gần đây, Trung tâm rất chú trọng thực hiện các hình thức phát huy giá trị tài liệu mang tính chủ động như tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày, giới thiệu tài liệu; giới thiệu tài liệu lưu trữ trên tài khoản mạng xã hội của Trung tâm nhân các ngày kỷ niệm sự kiện quan trọng, tri ân các nhân vật lịch sử để lan tỏa thông tin đến đông đảo công chúng.

- Vì còn nằm rải rác tại nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân nên quá trình sưu tầm tư liệu chắc hẳn gặp nhiều khó khăn, thưa bà?

- Khó khăn đầu tiên mà chúng tôi gặp phải là hiện chưa có tiêu chí xác định tài liệu quý, hiếm cần sưu tầm nên việc xác định đối tượng và phạm vi sưu tầm tài liệu chưa thực sự thống nhất, hiệu quả. Trung tâm chưa thống kê được đầy đủ và chưa kết nối được với nhiều cá nhân, gia đình có tài liệu cần sưu tầm. Tiếp đó, nhiều cá nhân, gia đình có tài liệu chưa hiểu rõ về hoạt động của cơ quan lưu trữ nên chưa tin tưởng gửi tặng tài liệu, kỷ vật vào cơ quan lưu trữ.

Bên cạnh đó, Nhà nước còn thiếu cơ chế, nguồn lực sưu tầm tài liệu, đặc biệt là thiếu nguồn kinh phí triển khai thực hiện việc sưu tầm và chế độ đãi ngộ đối với những cá nhân, cơ quan, tổ chức đã gìn giữ và hiến tặng tài liệu.

Đặc biệt, hoạt động phát huy giá trị tài liệu về các cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã được Trung tâm thực hiện nhưng chưa có quy mô lớn và chưa đạt được hiệu ứng lan tỏa rõ rệt do thành phần tài liệu đã sưu tầm còn rất hạn chế so với tiềm năng, vị thế của Trung tâm…

Trong thời gian tới, Trung tâm mong muốn được kết nối nhiều hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các gia đình đang sở hữu tài liệu nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tăng thêm niềm tin đối với cơ quan lưu trữ trong việc quản lý, gìn giữ tài liệu… Đồng thời, chúng tôi muốn tăng cường hơn nữa mối liên hệ giữa các cơ quan lưu trữ với cơ quan nghiên cứu lịch sử, cơ quan truyền thông trong hoạt động sưu tầm, phát huy giá trị tài liệu.

- Trước nguy cơ nguồn tư liệu chiến tranh ngày càng mai một, theo bà, chúng ta cần đặt ra những kế hoạch cụ thể gì để việc sưu tầm, lưu giữ và truyền bá nguồn tư liệu chiến tranh đạt hiệu quả?

- Chiến tranh đã qua đi rất nhiều năm, vì thế tôi cho rằng, việc tiếp cận để sưu tầm được những tài liệu, tư liệu quý giá về các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đang nằm trong nhân dân cần phải được thực hiện khẩn trương, quy mô hơn nữa để giữ lại được tối đa tài liệu. Hầu hết nhân chứng lịch sử cũng đều đã cao tuổi, sức yếu, nếu không khẩn trương tiếp cận, khai thác hồi ức chiến tranh từ các nhân chứng này thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội hoàn toàn. Trong khi đó, nguồn lực của các cơ quan lưu trữ nói chung hiện còn nhiều hạn chế, lại gặp khó khăn về cơ chế nên mức độ tiếp cận nhân chứng lịch sử chỉ mang tính thí điểm, nhỏ lẻ.

Tiếp đó, để công tác lưu giữ truyền bá tư liệu chiến tranh quý giá này được hiệu quả, chúng ta cần khẩn trương xây dựng Đề án sưu tầm tài liệu, kỷ vật về các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, trong đó khảo sát, rà soát, tổng hợp các nguồn tài liệu về chiến tranh Việt Nam đang nằm trong nhân dân; lập danh sách nhân chứng lịch sử và gia đình có tài liệu để làm cơ sở lập kế hoạch sưu tầm, lưu giữ tài liệu trước khi không còn cơ hội.

Công tác này cũng rất cần nguồn lực đầu tư lớn từ nhà nước, đồng thời có chiến lược trong tuyên truyền, lan tỏa giá trị của tài liệu bằng nhiều hình thức khác nhau từ đó tạo hiệu ứng sâu rộng về ý nghĩa của công tác sưu tầm cũng như việc giao nộp, hiến tặng tài liệu của các cá nhân, tổ chức...

- Xin trân trọng cảm ơn bà!