Người dân Panama bỏ phiếu bầu tổng thống
Hôm nay (5-5, giờ địa phương), người dân Panama bỏ phiếu để bầu một trong 8 ứng cử viên trở thành tổng thống tiếp theo và bỏ phiếu cho hàng trăm nhà lập pháp và quan chức địa phương.
Sau nhiều tuần tranh cử, hơn 3 triệu cử tri sẽ quyết định xem ai là người phù hợp nhất để giải quyết các vấn đề kinh tế cấp bách của Panama, cũng như vấn nạn tham nhũng và khôi phục danh tiếng của đất nước như một thiên đường đầu tư.
Cựu bộ trưởng Jose Raul Mulino, 64 tuổi, đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò ý kiến, là người đồng hành và luôn ủng hộ cựu Tổng thống Martinelli, người đang sống tị nạn trong Đại sứ quán Nicaragua tại Panama. Ông Jose Raul Mulino từng giữ chức Bộ trưởng An ninh, Nội vụ và Tư pháp, Ngoại giao.
Ông Romulo Roux, đứng thứ hai trong cuộc đua giành chức tổng thống và cựu Tổng thống Martin Torrijos ở vị trí thứ ba. Theo sát phía sau là Ricardo Lombana - người cũng từng tranh cử trong cuộc bầu cử trước đây và Phó Tổng thống hiện tại Jose Gabriel Carrizo.
Quy tắc bầu cử của Panama không yêu cầu phải có vòng hai, nên kết quả bỏ phiếu ngày 5-5 sẽ được công nhận. Ủy ban bầu cử Panama cho biết sẽ cử tình nguyện viên đến các điểm bỏ phiếu để giám sát và đảm bảo một cuộc bầu cử công bằng.
Theo các nhà phân tích, không một đảng nào được dự báo sẽ giành được quyền kiểm soát cơ quan lập pháp, nơi có 885 ghế được bầu.
Các nhà lập pháp thuộc các đảng khác nhau ủng hộ hợp đồng gây tranh cãi của chính phủ với công ty khai thác First Quantum của Canada đã phải đối mặt với phản ứng dữ dội của cử tri.
Năm ngoái, nhiều người dân Panama đã xuống đường để phản đối hợp đồng khai thác mỏ Cobre Panama mà họ cho rằng thiếu đảm bảo về môi trường và nạn tham nhũng. Tòa án hàng đầu của Panama đã phán quyết hợp đồng này là vi hiến vào tháng 11-2023.
Chính phủ tiếp theo của Panama sẽ phải đối mặt với hệ thống quỹ hưu trí gặp khó khăn, mức nợ công cao và thu nhập giảm do đóng cửa mỏ, vốn chiếm khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.
Tham nhũng đã trở thành một vấn đề nóng bỏng đối với cử tri Panama. Bên cạnh đó, con số kỷ lục 520.000 người di cư vào năm ngoái qua khu rừng Darien nguy hiểm nối liền Panama và Colombia để đến Mỹ, cũng là vấn đề các cử tri quan tâm.