Văn nghệ

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): “Kho vàng” từ hồi ký của các tướng lĩnh

Thảo Trang 05/05/2024 15:55

Với người viết trẻ ham thích sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng nói chung và về Điện Biên Phủ nói riêng thì việc biến cảm hứng thành sản phẩm văn học nghệ thuật để sáng tác ra tác phẩm "ra tấm, ra món" là rất khó khăn. Nhưng vẫn có cách giúp những cây viết trẻ có thêm cảm hứng sáng tạo, ấy là đọc hồi ký tướng lĩnh Điện Biên Phủ.

dien-bien-phu-3.jpg
Bộ sách của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ thu hút sự quan tâm của công chúng.

Bách khoa thư về chiến dịch

Tính đến nay, hầu hết các vị tướng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ hoặc sau này được phong tướng đều viết hồi ký về những ngày chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là tài liệu giá trị bởi nó ghi lại sự việc thật, cảm xúc thật của những người trong cuộc. Đó có thể là thông tin bao quát của toàn chiến dịch, nhưng cũng có thể là thông tin về một chủ trương, một việc làm, một trận đánh cụ thể.

Cuốn hồi ký được xem là “bách khoa thư” của chiến dịch là cuốn “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (nhà văn Hữu Mai thể hiện, NXB Quân đội nhân dân, 2000) với độ dày gần 500 trang. Ngay khi ra đời, cuốn hồi ký đã được rất nhiều người quan tâm. Năm 2004, tác phẩm được nữ nhà văn, nhà báo người Mỹ - Lady Borton dịch ra tiếng Anh và xuất bản ở nhiều nước. “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” trở thành cuốn sách kinh điển cho những ai muốn tìm hiểu về trận chiến Điện Biên Phủ, và rộng hơn là về chiến tranh Đông Dương. Với cuốn sách này, người đọc không chỉ được tiếp xúc với nguồn sử liệu chân thực, sống động, mà còn nhận ra chân dung tinh thần, tầm vóc văn hóa, cốt cách vĩ nhân của Võ Nguyên Giáp.

Trong hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” có những vấn đề lớn lao gắn với lịch sử dân tộc, biến động thời đại, và có cả những vấn đề riêng tư của mỗi con người. Ở hồi ký này, người đọc dễ nhận thấy tướng Giáp rất ít nói về mình; ông nói nhiều về sự lãnh đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, của Bác Hồ, về đồng đội, về nhân dân Việt Nam anh hùng. Từ những người chỉ huy dạn dày trận mạc như Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Lê Quảng Ba, Nguyễn Hữu An, Hoàng Cầm... đến những người binh nhất, binh nhì đều được Đại tướng nhắc đến một cách tự hào và trân trọng.

Hồi ký “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” cho chúng ta thấy được toàn cảnh cuộc đấu trí trước khi diễn ra chiến dịch giữa ta và quân Pháp, thấy được quyết định khó khăn của Đại tướng khi chuyển phương châm từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Chúng ta thấy được cách Đại tướng chỉ đạo các đại đoàn phối hợp tác chiến; cách ông lắng nghe tình cảm, nghĩ suy của bộ đội, viết thư thăm hỏi, động viên, chia sẻ nỗi khó khăn, vất vả của người lính, biểu dương kịp thời mỗi chiến công của họ. Cuốn hồi ký cũng cho thấy cách hành xử nhân văn của Đại tướng với kẻ thù. Giữa những ngày ác liệt nhất của trận chiến ở Điện Biên Phủ, những người lính bắt được thùng hàng do máy bay thả xuống, trong đó có lá thư và hai cuốn tiểu thuyết của vợ viên tướng De Castries gửi cho chồng. Biết điều đó, tướng Giáp đã yêu cầu chỉ huy đơn vị phải tìm cách gửi vào cho De Castries. Ngay sau khi trận đánh kết thúc, ông đến từng căn hầm gặp những người lính Pháp bị thương, điều động quân y phối hợp với nhân viên y tế của Pháp cứu chữa cho họ, cho phép máy bay Pháp hạ cánh chở thương binh nặng về Hà Nội chữa trị...

Nguồn sử liệu sống động

Trong cuốn hồi ký “Đại tướng Hoàng Văn Thái với Chiến dịch Điện Biên Phủ” (NXB Quân đội nhân dân, 2004) cũng có rất nhiều thông tin giá trị về việc tổ chức chiến đấu. Trong chiến dịch, tướng Hoàng Văn Thái là Tham mưu trưởng. Ông là người tổ chức chỉ huy hiệp đồng giữa các lực lượng trong chiến dịch. Hồi ký của ông mô tả chi tiết từng quyết định và kết quả thực hiện quyết định của cấp dưới.

Muốn tìm thông tin về những trận đánh ở các hướng thì người viết trẻ có thể tìm đọc hồi ký của tướng Vương Thừa Vũ “Những chặng đường chiến đấu” (NXB Quân đội nhân dân, 2005). Trong cuốn sách này, người đọc sẽ hiểu rõ hơn về việc Sư đoàn 308 hành quân thần tốc sang Lào để nghi binh, lừa quân Pháp theo quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rồi bất ngờ trở lại tham gia chiến dịch, khiến quân Pháp trở tay không kịp, luôn bị động mà chạy theo đối phó với các quyết định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cuốn “Từ Đồng Quan đến Điện Biên” (Hồi ức của Đại tướng Lê Trọng Tấn, Đỗ Thân ghi, NXB Quân đội nhân dân, 1994) cho ta thông tin bổ ích, trung thực về cách ta tiêu diệt cứ điểm Him Lam, trận thắng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ đêm 13-3-1954.

Để có thông tin về sự bố phòng của Him Lam, Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo quân báo bắt một số tù binh về khai thác, trong đó có tên thiếu úy Jacques. Ông mô tả, trong hồi ký, tên thiếu úy đã khai hết cả những điều chưa kịp hỏi rất tỉ mỉ, trong đó nổi bật là kết cấu cứ điểm. Trước nơi ấy có năm mỏm, nay địch dùng máy ủi san đi còn ba. Địch bố trí phòng ngự hình tròn. Mỗi điểm tựa vừa tự bảo vệ mình vừa có thể chi viện cho nhau. Địch bố trí hỏa lực nhiều tầng. Giữa các hỏa điểm có hào giao thông nối liền. Giữa các điểm có hàng rào và bãi mìn ngăn cách. Cứ điểm nào cũng có hầm ngầm và lực lượng phản kích. Ông còn kể lại lời khuyên của Jacques: “Thưa ngài, tôi xin phép ngài cho tôi nói một điều từ trái tim tôi: Các ngài không nên đụng đến Béatrice (cứ điểm Him Lam - PV)... Nó là một pháo đài bất khả xâm phạm”. Ông bảo hắn: "Các anh hãy chờ đấy! Chúng tôi sẽ tiêu diệt Béatrice. Đây là Việt Nam. Anh hiểu không?".

Để tìm hiểu kỹ hơn về từng trận đánh trong chiến dịch, người viết trẻ nên tìm đọc hồi ký của những cán bộ từng là đại đội trưởng trong chiến dịch, như hồi ký “Cuộc đời và chiến trận” của Trung tướng Lê Nam Phong (NXB Thanh niên, 2007). Trong cuốn sách này, Lê Nam Phong mô tả chi tiết từng trận đánh và đặc biệt là vì sao ông được gọi là “Đại đội trưởng đầu trọc” và Đại đội 225 lại có cái tên đặc biệt là “đại đội trọc đầu”.

dien-bien-phu-3a.jpg
Các ấn phẩm của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.

Cẩm nang cho người viết trẻ

Ngoài nguồn tư liệu từ hồi ký, những người viết trẻ cũng nên tìm hiểu thông tin qua bài viết của các cựu chiến binh đăng trên nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng hoặc những cuốn sách tập hợp các bài viết ngắn của các cựu chiến binh, như “Điện Biên Phủ - 50 năm nhìn lại”, “Trung đoàn 174 anh hùng”, “Ký ức Pháo binh”, “Chiến sĩ Điện Biên kể chuyện”, “Từ một quyết tử quân - Thượng tướng Vũ Lăng”… của NXB Quân đội nhân dân và cuốn “Tướng lĩnh Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ” (NXB Văn học, 2014).

Văn học nghệ thuật lấy cuộc sống, con người làm chất liệu sáng tác. Từ những câu chuyện, những vấn đề xảy ra trong cuộc sống, lao động, học tập, chiến đấu, bằng tài năng sáng tạo, các văn nghệ sĩ đã cho ra các tác phẩm văn học nghệ thuật phục vụ xã hội. Trong đó sáng tác về chiến tranh cách mạng và chiến đấu trên chiến trường là một việc khó đối với thế hệ đi sau, những người chưa từng trải qua chiến tranh.

Khó là bởi chiến tranh vốn rất phức tạp vì nó là phức hợp các công việc rất chặt chẽ, diễn ra nhanh, mạnh, tàn khốc. Chiến tranh là thời điểm con người bộc lộ tư tưởng, tâm lý, bản lĩnh. Đó có thể là sự kiên cường, dũng cảm hoặc cũng có thể là tâm lý ham sống, sợ chết, sợ hãi. Tìm hiểu hồi ký của những người từng tham gia chiến dịch cho người viết trẻ nguồn cảm hứng và thông tin chi tiết để triển khai ý tưởng một cách mạch lạc, cho ra đời “đứa con tinh thần” đủ sức chinh phục bạn đọc.