Văn nghệ

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024): Nhạc sĩ Hoàng Vân và “Hò kéo pháo”

Duy Ngọc 05/05/2024 10:30

Một ngày Hà Nội nắng vàng nhè nhẹ, khi nhạc sĩ Hoàng Vân còn sống, tôi tìm đến căn nhà số 14 phố Hàng Thùng (quận Hoàn Kiếm) để thăm ông. Chiếc cầu thang bằng gỗ lâu ngày ọp ẹp cộng với không gian thiếu ánh sáng đặc trưng của khu phố cổ khiến việc tìm đến căn phòng trên tầng 2, nơi nhạc sĩ ở, khá khó khăn.

Trước khi gặp ông, anh em đồng nghiệp kháo nhau rằng nhạc sĩ Hoàng Vân là người khó gần, nhiều người còn bảo ông “kiêu” vì từng bị ông từ chối khi gọi điện xin gặp. Lời đồn là thế nhưng khi gặp ông tôi lại cảm nhận ở ông sự cởi mở, vui vẻ. Hôm ấy, ông đón tôi ngay ở cầu thang rồi niềm nở mời tôi vào phòng khách, nhiệt tình trả lời tất cả những câu hỏi của tôi. Ở vào tuổi ngoài 80, ông vẫn khỏe mạnh, hồng hào, rất hào hứng mỗi khi nhắc về chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến dịch mà ông từng tham gia. Ngồi lâu, câu chuyện ngày càng rôm rả, ông đã kể cho tôi nghe về thời điểm ông sáng tác ca khúc “Hò kéo pháo”, khi cả nước đang hướng về mặt trận Điên Biên Phủ, nơi Bộ đội Cụ Hồ đang bao vây các cứ điểm của quân Pháp.

dien-bien-phu-6.jpg

Ngẫu hứng... thành nhạc sĩ

Đến giờ, tôi vẫn còn nhớ như in, bằng chất giọng trầm ấm, nhạc sĩ thuật lại: “Thời kỳ này tôi là bộ đội thuộc Đại đội Độc Lập, vừa tuyên truyền trong hậu địch vừa cầm súng chiến đấu suốt vùng Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu… Là thanh niên Hà Nội có chút tài lẻ đàn hát, hội họa, nhưng thực tình tôi chưa bao giờ có ý nghĩ sáng tác nhạc để trở thành nhạc sĩ. Chỉ vì ngày đó, các đơn vị bộ đội thường tổ chức các buổi liên hoan văn nghệ "cây nhà lá vườn" như diễn kịch, tấu hài, hát tốp ca, đơn ca… để cổ vũ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ. Để góp vui cùng anh em trong đơn vị, tôi bắt đầu sáng tác một vài ca khúc với mục đích làm bích báo dán ở trung đoàn, sau được anh em trong đơn vị truyền tay nhau hát. Khi tôi giữ chức Đại đội phó thì đơn vị được điều sang Trung đoàn 165 (Trung đoàn Giao Hà theo cách gọi bí mật lúc bấy giờ). Về trung đoàn, tôi được phân công phụ trách làm báo và công tác địch vận do thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh".

Ca khúc đầu tiên mà Hoàng Vân sáng tác là bài “Chiến sĩ Tây Bắc”, lúc đó vào khoảng năm 1951. Đến cuối năm 1953, ông được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi đến Điện Biên, Hoàng Vân được phân công đón một số văn nghệ sĩ do binh trạm đưa về, như Đỗ Nhuận, Tô Hoài... Nhạc sĩ kể: "Tôi là người trực tiếp lo nơi ăn, chốn ở cho anh em mới đến. Ngày ấy công việc này khá gian khổ vì phải đi lại dưới giao thông hào, ngày nắng đã đành, gặp ngày mưa chúng tôi phải lội nước bì bõm, đất dưới chân đầy bùn, nhão nhoét. Bản thân tôi là cán bộ chính trị nhưng lúc nào cũng phải đeo súng, đeo xẻng bên người để mỗi lần di chuyển đào cho mình một hầm trú ẩn tránh bom đạn.

Trong đơn vị của tôi có một tiểu đoàn tham gia kéo pháo, những tời, xà beng, búa chim, dây thừng, dây chão… đều trở thành dụng cụ để kéo pháo ra mặt trận. Tôi là người không tham gia trực tiếp kéo pháo, nhưng đã được quan sát và nghe anh em trong đơn vị kể lại sau những lần đưa pháo vào mặt trận rồi lại có lệnh kéo pháo ra, cả tấm gương anh dũng hy sinh của liệt sĩ Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo quyết không để pháo lao xuống vực. Đó còn là câu chuyện về những hy sinh mất mát do bom napalm từ máy bay địch thả xuống nhưng với lòng quyết tâm, các chiến sĩ vẫn kiên quyết bảo vệ pháo đến cùng...

Vào một đêm mùa đông lạnh giá giữa khu rừng vành đai bao vây quân Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ, tôi đang ngủ dưới hầm, đâu đó vẫn vang tiếng súng, tiếng máy bay địch lúc xa, lúc gần, đột nhiên có con gà rừng từ đâu lao xuống chỗ tôi nằm rồi lại vỗ cánh phành phạch bay vút lên, lúc sau cất tiếng gáy vang, tôi đoán khoảng canh ba. Từ đó tôi không sao chợp mắt được, rồi tự nhiên trong đầu hình thành ý thơ, nét nhạc với những ca từ: “Gà rừng gáy trên nương rồi/Dấn bước ta đi lên nào/ Kéo pháo ta sang qua đèo/Quyết tâm bảo vệ pháo…"".

Đêm đó, Hoàng Vân say sưa viết, sửa lại rồi mang đàn ra hát. Chỉ vài ngày sau, ca khúc “Hò kéo pháo” đã ra đời. Một lần tình cờ, một chính trị viên qua đơn vị, thấy bản nhạc vừa sáng tác hay quá nên đề nghị Hoàng Vân dạy hát để phổ biến rộng rãi đến các đại đội. Sau này, tại Đại hội Liên hoan văn nghệ toàn quân vào tháng 11-1954 tại Thủ đô Hà Nội, ca khúc “Hò kéo pháo” được trao giải Nhất.

dien-bien-phu-6a.jpg
Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Nhạc sĩ của những ca khúc vượt thời gian

Nhạc sĩ Hoàng Vân là người có đóng góp rất lớn cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà, vinh dự nhận nhiều huân, huy chương được các cấp khen tặng. Giờ đây, nối tiếp sự nghiệp của ông còn có 2 người con cũng nổi danh không kém gì cha, đó là nhạc sĩ Lê Y Linh, và Lê Phi Phi - người tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Tchaikovsky (Liên Xô) và đang là nhạc trưởng một dàn nhạc quốc gia nước ngoài.

Sinh ra trong một gia đình trí thức tại Hà Nội, được học nhạc lý từ khi còn nhỏ, năm 16 tuổi nhạc sĩ Hoàng Vân cùng vài người bạn học theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gia nhập đội thiếu niên Cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội rồi làm phụ trách thiếu sinh quân - Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó, ông tham gia Đội tuyên truyền vũ trang, làm báo và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn và phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312. Về sau, ông được cử đi học tại Học viện Âm nhạc Trung ương Trung Quốc. Trở về nước sau 6 năm học tập, nghiên cứu âm nhạc ở nước bạn, ông được giao nhiệm vụ chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989.

Trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc, ông sáng tác nhiều ca khúc ở thể loại nhạc “đỏ”, như: “Hò kéo pháo”, “Hà Nội - Huế - Sài Gòn”, “Quảng Bình quê ta ơi”, “Nổi trống lên rừng núi ơi”, “Không cho chúng nó thoát”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Chào anh giải phóng quân”… Nhiều bài hát của ông đã trở thành “ngành ca”, như “Bài ca xây dựng”, “Người giáo viên nhân dân”, “Tôi là người thợ lò”, “Bài ca giao thông vận tải”, “Bài ca người thủy thủ”…

Gần trọn cuộc đời cống hiến cho nền âm nhạc cách mạng nước nhà, năm 2000, nhạc sĩ Hoàng Vân được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật. Cho đến khi mất (năm 2018), nhạc sĩ Hoàng Vân đã để lại cho hậu thế một kho tàng khoảng hơn 700 tác phẩm âm nhạc về nhiều đề tài. Những tác phẩm âm nhạc của người nhạc sĩ tài ba ấy đến nay vẫn ẩn chứa tầng sâu giá trị cho muôn đời sau.