Công nghệ

Trung Quốc phóng tàu vũ trụ thăm dò “vùng tối” Mặt trăng

Thương Nguyệt 03/05/2024 - 15:26

Chiều 3-5, Trung Quốc phóng một tàu thăm dò, dự kiến hạ cánh ở vùng tối của Mặt trăng để thu thập các mẫu vật có thể cung cấp thông tin quan trọng về địa chất, cũng như những khác biệt giữa khu vực đầy bí ẩn này so với phần đã được khám phá.

Sứ mệnh này là bước tiến mới nhất trong chương trình thám hiểm không gian đầy tham vọng của Trung Quốc - quốc gia cạnh tranh với Mỹ đang dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Năm 2019, Trung Quốc trở thành quốc gia đầu tiên thám hiểm vùng tối của Mặt trăng khi tàu thăm dò Hằng Nga 4 hạ cánh thành công xuống khu vực đầy bí ẩn này.

Tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga - 6 sẽ được phóng cùng tên lửa đẩy Trường Chinh - 5 Y8 vào chiều ngày 3-5, từ trung tâm vệ tinh Văn Xương trên đảo Hải Nam. Thời gian phóng dự kiến vào lúc 5h27.

Theo AP, Trung Quốc đã xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình sau khi bị loại khỏi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), phần lớn do Mỹ lo ngại về việc quốc gia này kiểm soát hoàn toàn chương trình không gian trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về công nghệ. Luật pháp Mỹ cũng cấm gần như tất cả sự hợp tác với các chương trình không gian của Trung Quốc nếu không có sự chấp thuận từ Quốc hội xứ Cờ hoa.

2(5).jpg
Tàu thăm dò Mặt trăng Hằng Nga - 6 được phóng cùng tên lửa đẩy Trường Chinh - 5 Y8 vào chiều 3-5. Ảnh: Reuters

Chương trình không gian đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm đưa phi hành gia lên Mặt trăng vào năm 2030, thu thập các mẫu từ sao Hỏa trong cùng năm và khởi động 3 sứ mệnh thăm dò Mặt trăng trong 4 năm tới.

Trung Quốc cũng từng tiết lộ kế hoạch cấp quyền truy cập vào trạm vũ trụ của mình cho các phi hành gia nước ngoài và khách du lịch vũ trụ. Khi ISS sắp hết thời gian sử dụng, Trung Quốc có thể trở thành quốc gia duy nhất duy trì trạm vũ trụ có phi hành đoàn trên quỹ đạo.

Chương trình không gian của Mỹ được cho là vẫn có lợi thế đáng kể so với Trung Quốc nhờ tiềm lực kinh tế, chuỗi cung ứng và năng lực. Xứ Cờ hoa đặt mục tiêu đưa phi hành đoàn trở lại bề mặt Mặt trăng vào cuối năm 2025 như một phần trong cam kết đổi mới đối với các sứ mệnh, được hỗ trợ bởi những công ty thuộc khu vực tư nhân như SpaceX và Blue Origin.