Luận đàm thời sự

Tranh thủ và phân rẽ

Đại sứ Trần Đức Mậu 03/05/2024 - 06:50

Sau 5 năm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình mới lại có chuyến công du châu Âu tới Pháp, Serbia và Hungari.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc hồi tháng 4-2023 Ảnh: Reuters

Ở châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại quan trọng nhất của Trung Quốc cho dù mối quan hệ này kém xa mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga. Lần đi này của ông Tập Cận Bình, châu Âu và trên thế giới có nhiều khác biệt so với 5 năm trước. Mối quan hệ giữa Serbia và EU về cơ bản chưa được cải thiện đáng kể gì trong khi quan hệ của Serbia với Trung Quốc và Nga tiếp tục được cải thiện đáng kể. EU không có được sự đồng thuận quan điểm trong nội bộ về nhiều vấn đề có ý nghĩa quan trọng như cuộc khủng hoảng về tỵ nạn và di cư, cuộc chiến ở Ukraine và mối quan hệ giữa EU với Nga, cuộc cạnh tranh chiến lược của Mỹ và EU với Trung Quốc mà xung khắc thương mại và các cuộc tấn công nhằm vào doanh nghiệp của Trung Quốc trên thị trường Mỹ và EU chỉ là một trong nhiều biểu hiện.

Serbia với EU đã vậy, cả Hungari lẫn Pháp đều có những hành động và phát ngôn về tương lai chung của EU, về Nga và Trung Quốc khiến EU phải quan ngại sâu sắc nhiều hơn là hài lòng hay phấn chấn.

EU tìm mọi cách hậu thuẫn Ukraine về chính trị, tài chính và quân sự để Ukraine đánh bại Nga trên chiến trường, nhưng Hungari cản trở. Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn kết nạp Thụy Điển thì Hungari lại trì hoãn phê chuẩn đến tận phút cuối. EU hết sức lo ngại về khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại cầm quyền ở Mỹ sau cuộc bầu cử tổng thống tới thì Thủ tướng Hungari Viktor Orban lại công khai thắt chặt tình thân hữu như thủ túc với cá nhân ông D.Trump.

Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron công khai thể hiện sự khác biệt quan điểm với EU về Trung Quốc, về Mỹ và về tương lai chung của EU. Lần tới thăm Trung Quốc cách đây không lâu, ông E.Macron thể hiện sự đồng thuận quan điểm khá sâu rộng với ông Tập Cận Bình về những vấn đề liên quan đến mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc cũng như giữa Trung Quốc với Mỹ.

Cho nên có thể thấy, Pháp, Serbia và Hungari hiện đều là những đối tác thuộc diện "dễ chịu nhất" đối với Trung Quốc ở châu Âu, tức là Trung Quốc có thể dễ dàng và thuận lợi thúc đẩy đồng thuận quan điểm và đẩy mạnh quan hệ hợp tác song phương. Bởi vậy, Trung Quốc tranh thủ ba đối tác này trong bối cảnh tình hình hiện tại ở châu Âu và trên thế giới còn có thể đưa lại nhiều cái lợi lớn khác nữa cho nước này. Trong đó, nổi bật nhất và đáng được chú ý đến nhất là phân hóa nội bộ EU cũng như phân rẽ ba đối tác này với EU và với Mỹ.

Giống như đối với mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc hiện không thấy có biểu hiện nào về khả năng có thể được tiến triển mạnh mẽ và cơ bản trong thời gian tới. Ông Tập Cận Bình chưa khởi hành công du châu Âu, EU đã hùa theo Mỹ gây khó cho TikTok của Trung Quốc và tiến hành điều tra về cáo buộc Trung Quốc phân biệt đối xử các doanh nghiệp của EU trên thị trường Trung Quốc.

Những động thái mới đây nhất của Mỹ và EU nhằm vào Trung Quốc càng thôi thúc Trung Quốc gia tăng nỗ lực hợp tác với những đối tác có thể tranh thủ được ở châu Âu, vừa gắn kết họ vào mối quan hệ hợp tác hiệu quả thiết thực với Trung Quốc, vừa phân rẽ họ với Mỹ và EU. Điều đó sẽ không có gì là khó hiểu khi cả EU lẫn Mỹ đều rất để ý đến và không thể hài lòng về chuyến công du châu Âu tới đây của ông Tập Cận Bình.