Chính trị

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong tiếp công dân, xử lý đơn thư

Hà Vũ 02/05/2024 - 21:47

Thành ủy Hà Nội yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy Đảng, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong xử lý đơn, thư, tiếp công dân.

Ngày 2-5, tại Hội nghị lần thứ 17, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã nghe báo cáo và tiến hành thảo luận, cho ý kiến về dự thảo các báo cáo: Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TƯ, ngày 26-5-2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo” và Sơ kết 5 năm thực hiện Quy định số 11-QĐi/TƯ, ngày 18-2-2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân.

Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu đối với 3 nội dung tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành
Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức trình bày các báo cáo tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành

Tiếp hàng vạn lượt công dân, xử lý hàng nghìn đơn thư

Trình bày các dự thảo báo cáo trên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Đức cho biết, thời gian qua, các cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã nghiêm túc triển khai thực hiện Chỉ thị 35 và Quy định 11 của Bộ Chính trị. Trong đó, chỉ riêng Chỉ thị 35, Ban Thường vụ Thành ủy và Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị 15-CT/TU của Thành ủy đã ban hành 114 văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện; các cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã ban hành 1.605 văn bản, các quận, huyện, thị ủy đã ban hành 1.912 văn bản thực hiện.

10 năm thực hiện Chỉ thị 35, công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư gắn với giải quyết KNTC, nhiều vụ việc được quan tâm chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở. Trách nhiệm của người đứng đầu, thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong chỉ đạo, điều hành, xem xét, giải quyết KNTC, nhất là các vụ việc phức tạp, đông người được nâng lên; việc kiểm tra giám sát, giải quyết các vụ việc tồn đọng, phức tạp đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Cụ thể, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố đã đối thoại, tiếp công dân theo quy định, trong đó, trực tiếp tiếp 45 vụ việc với người dân; đối thoại 35 cuộc với các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang và các cơ quan, doanh nghiệp, tầng lớp trí thức trên địa bàn thành phố, gặp mặt thanh niên tiêu biểu thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, công nhân lao động Thủ đô, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội.

Các đồng chí Thường trực Thành ủy đã tiếp 274 vụ việc. Các đồng chí bí thư cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã thực hiện công tác tiếp dân theo quy định, tổng số cuộc tiếp dân định kỳ và đột xuất trong 10 năm qua là 16.975 cuộc/32.028 lượt người (26 đoàn đông người). Chủ tịch UBND các cấp đã thực hiện tiếp 149.730 cuộc/152.193 lượt công dân…

Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Quy định 11 của Bộ Chính trị nêu 8 kết quả đạt được. Đáng chú ý, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội luôn xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân là một trong nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Trong đó, thành phố đã tổ chức 638 hội nghị tập huấn, phát hành hơn 150 nghìn ấn phẩm, tài liệu với hơn 158 nghìn đảng viên tham gia để phổ biến, quán triệt Quy định 11.

Thực hiện Quy định 11, từ năm 2019 đến nay, đồng chí Bí thư Thành ủy đã trực tiếp tiếp dân giải quyết 22 vụ việc. Đây đều là những vụ việc khiếu kiện kéo dài, có tính chất điển hình, liên quan đến các gia đình chính sách, thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, đồng chí Bí thư Thành ủy còn chủ trì 15 hội nghị đối thoại với quần chúng nhân dân và đại biểu MTTQ và các tổ chức đoàn thể. Các đồng chí bí thư cấp ủy các cấp đã tiếp hàng vạn lượt công dân, cụ thể: Cấp xã đã tiếp hơn 117 nghìn cuộc với hơn 657 nghìn lượt công dân; cấp huyện tiếp hơn 41 nghìn cuộc với hơn 57 nghìn lượt công dân; cấp thành phố tiếp hơn 11.500 cuộc với hơn 16.600 lượt công dân.

Không chỉ vậy, từ năm 2019 đến nay, có hơn 32.000 đơn thư đã gửi tới đồng chí Bí thư Thành ủy, trong đó có 575 đơn từ trung ương chuyển về. Đến nay, Thành ủy đã có báo cáo kết quả xử lý 559 đơn gửi Ban Nội chính Trung ương, còn 16 đơn đang xử lý. Đồng chí Bí thư Thành ủy đã chỉ đạo Ban Nội chính Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tham mưu xử lý kịp thời các đơn thư, trong đó trực tiếp xử lý và chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 7.781 đơn, lập danh sách tổng hợp cập nhật hệ thông lưu theo dõi 24.482 đơn. Hiện nay, các cơ quan đã tham mưu xử lý 7.458 đơn đã có báo cáo gửi về Thành ủy qua Ban Nội chính Thành ủy tổng hợp theo dõi, còn 323 đơn đang xử lý theo quy định.

Tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng đơn vị

Các báo cáo cũng nêu rõ ưu điểm, hạn chế còn tồn tại trong việc thực hiện Chỉ thị 35 và Quy định 11. Trong đó, đối với thực hiện Chỉ thị 35, còn nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tại các đơn vị chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi thực hiện Quy định 11, việc tiếp dân định kỳ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa bảo đảm đúng thời gian quy định, còn có tình trạng phân công cấp phó tiếp dân.

Theo Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quang Đức, với quyết tâm khắc phục hạn chế, tồn tại, tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 35 và Quy định 11, Ban Thường vụ Thành ủy đã xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới đối với từng văn bản nêu trên.

Đối với thực hiện Chỉ thị 35, Ban Thường vụ Thành ủy khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết KNTC; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ này; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài.

Đối với thực hiện Quy định 11, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm, buông lỏng, thờ ơ, vô cảm trong xử lý đơn, thư, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của người dân; xử lý nghiêm trách nhiệm những cấp ủy, địa bàn có nhiều vụ việc đông người khiếu kiện vượt cấp...

Trong báo cáo giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý vào các nội dung trên tại Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Hà Nội cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ kiến nghị Trung ương về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn nữa, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác đối thoại, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đặc biệt, thành phố sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, kéo dài; chỉ đạo các cấp ủy tăng cường nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết từ sớm, từ xa các vụ việc, bảo đảm giữ ổn định tình hình ngay từ cơ sở.