Kim Liên - làng “vít đầu” thiên hạ
Làng Kim Liên xưa (nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) được biết đến là nơi sinh ra rất nhiều thợ cắt tóc tài hoa trên đất Hà thành. Với đôi tay tài hoa, khéo léo, nhiều thợ cắt tóc của làng đã được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân.
Làng nghề “trăm tuổi”
Theo Nghệ nhân, Chủ tịch Hội làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên Phạm Duy Hào, nghề cắt tóc đã có ở làng từ hàng trăm năm trước. Người làng Kim Liên thờ tổ nghề là thầy địa lý Tả Ao. Tương truyền, xưa làng Trung Tự gần với làng Kim Liên, người dân theo con đường học hành, có người đỗ tiến sỹ, vinh quy bái tổ được vua cắt đất cho hưởng bổng lộc. Kim Liên là làng thuần nông, cuộc sống người dân còn nhiều vất vả. Khi đó, thầy địa lý Tả Ao đi qua, thương tình truyền cho dân làng nghề cắt cạo.
Cũng theo các cụ truyền lại, ngày đó, thầy Tả Ao đã đặt vật gì đó ở ngoài hồ đình làng (dân làng gọi là gò Sắp Ân). Đến năm 1980, khi làm đường mới, lúc đào gò, người ta thấy một hòm nhỏ như hòm cắt tóc. Dân làng khiêng vào đình mở ra xem, thấy trong hòm có miếng bia mỏng ghi những dòng chữ nho có nội dung: Yểm mạch hành nghề thợ cạo/Giang sơn một tráp, gương, lược, dao/Chơi ngông gọt gáy khách anh hào/Giàu thánh tướng ai ta cũng mặc/Vít cổ vua, xoay, chẳng sợ nào.
Quả thực, soi lại những năm tháng xưa, trai làng Kim Liên cứ lớn lên là biết cắt tóc. Thời phong kiến, thợ cắt tóc làng Kim Liên mở hiệu cắt tóc nổi tiếng khắp đất Hà thành.
“Cụ Phạm Duy Hiền - thợ cắt tóc làng Kim Liên, ông nội tôi, được vua Bảo Đại mời vào cung cắt tóc cho nhà vua và hoàng tộc. Nhờ nghề truyền thống, thợ cắt tóc của làng có đời sống tươm tất. Một người thợ cắt tóc lành nghề có thể nuôi sống cả gia đình ở mức khá giả. Chẳng vậy, mà người làng Kim Liên xưa vẫn lưu truyền câu ca: Làm thân con gái chẳng biết lo/ Thợ tóc không lấy, lấy học trò/ Kéo lớn kéo to dăm bảy bộ/Còn hơn kinh sử dăm bảy kho”, ông Phạm Duy Hào tự hào nói.
Nếu như ngày xưa, thợ cạo chỉ cắt tóc cho khách nam là chính, đồ nghề cũng không quá cầu kỳ, phức tạp, chỉ cần tấm gương nhỏ treo trên thân cây, góc tường cùng vài dụng cụ dao, kéo, tông đơ, thì hiện nay, dịch vụ cắt tóc rất phong phú, đa dạng. Các tiệm cắt tóc cũng được đầu tư với những salon hiện đại, bài trí cầu kỳ… Những người tâm huyết với nghề truyền thống của làng đã thành lập Hội làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên để hỗ trợ nhau bảo tồn, phát triển nghề truyền thống với 40 thành viên, trong đó, 8 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân.
Giữ lửa nghề truyền thống
Mỗi khi cầm kéo, cầm lược, thợ cắt tóc làng Kim Liên như những người nghệ sỹ tài ba. Ông Trịnh Hữu Lợi, một trong những nghệ nhân lớn tuổi nhất của làng, dù đã bước sang tuổi 75 nhưng vẫn đam mê, miệt mài với nghề truyền thống. Ông Lợi cho biết, người thợ làng Kim Liên được trời phú cho đôi tay khéo léo từ động tác bóp tông đơ nhẹ nhàng cho tới đường kéo tỉ mỉ. Mỗi khi thao tác, tiếng lưỡi kéo va vào nhau lách cách vui tai…
Nghệ nhân Ngô Thị Huệ, Phó Chủ tịch Hội làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên, năm nay gần 50 năm tuổi đời thì đã có gần 30 năm gắn bó với nghề truyền thống. Bà chia sẻ: “Khách hàng đến cắt tóc chỗ tôi rất đa dạng, có cả nam, nữ với nhiều nghề nghiệp khác nhau, như công chức, học sinh, sinh viên, công nhân, nghệ sỹ và cả người nước ngoài. Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong nghề nhưng chúng tôi vẫn liên tục học hỏi, cập nhật trào lưu, xu hướng mới trong ngành tóc để phục vụ khách hàng tốt hơn”.
Để khôi phục, duy trì nghề truyền thống, từ năm 2005 đến nay, vào ngày 15 tháng Ba âm lịch hằng năm, trong ngày hội làng truyền thống tại đình - đền Kim Liên, chính quyền phường Phương Liên và người dân làng Kim Liên lại tổ chức thi cắt tóc, làm đẹp nhằm tôn vinh nghề cắt tóc. Ban đầu, Hội thi chỉ dành cho những tay kéo là người làng, nay được mở rộng, chào đón cả những thợ cắt tóc đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Theo Chủ tịch Hội làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên Phạm Duy Hào, tri ân công đức Tổ nghề, Hội làng nghề cắt tóc truyền thống Kim Liên thường xuyên tổ chức các chương trình thiện nguyện, cắt tóc miễn phí cho người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Hội thường xuyên tổ chức hoạt động cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân tại các bệnh viện; tổ chức ngày hội cắt tóc cho thanh thiếu nhi trên địa bàn phường Phương Liên vào dịp Tết thiếu nhi 1-6. Đặc biệt, hằng năm, vào ngày hội làng (15 và 16 tháng Ba âm lịch), hàng trăm thợ cắt tóc người làng Kim Liên và các câu lạc bộ cắt tóc trên cả nước lại tổ chức cắt tóc miễn phí cho nhân dân trong 2 ngày lễ hội.