Không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô
Ngày 2-5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ký ban hành Công văn số 1100-CV/TU về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU.
Văn bản nêu rõ, thực hiện Quyết định số 6209-QĐ/TU ngày 16-1-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025” đối với 9 tổ chức Đảng.
Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu ban thường vụ các quận, huyện, thị ủy, các sở, ban, ngành thành phố tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU.
Cụ thể, tiếp tục tăng cường, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền về Chương trình số 08-CTr/TU bảo đảm thiết thực, hiệu quả, tạo sự đồng thuận của người dân. Ban Thường vụ cấp ủy cần có giải pháp cụ thể, phân công rõ người, rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm, phối hợp hiệu quả với các ngành liên quan của thành phố để tổ chức, triển khai, quyết tâm phấn đấu đến cuối năm 2025 thực hiện hoàn thành và hoàn thành vượt 27 chỉ tiêu Chương trình số 08-CTr/TU. Rà soát, hoàn thành thủ tục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2026, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu Chương trình số 08-CTr/TU.
Cùng với đó là tập trung chỉ đạo phát triển hệ thống an sinh xã hội. Trong đó, tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và hệ thống bảo hiểm xã hội các cấp để đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để khuyến khích, vận động người dân tham gia. Triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đồng thời, rà soát số hộ nghèo thực tế trên địa bàn, nhất là những trường hợp khó có khả năng thoát nghèo, xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền chuyển những hộ đủ điều kiện sang đối tượng bảo trợ xã hội để có cơ hội tiếp cận với các nguồn hỗ trợ theo quy định.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho nhân dân. Tập trung phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại, linh hoạt, hội nhập. Thực hiện tốt việc phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp, gắn với nhu cầu của thị trường lao động.
Tiếp tục nâng cao chất lượng hệ thống các cơ sở y tế, giáo dục. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh từ cấp cơ sở. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục, trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học và cấp độ quy định.
Bảo đảm lưu thông cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Tăng cường, đẩy nhanh tiến độ công tác xây dựng nông thôn mới, củng cố, nâng cao các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch. Tăng cường đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế, điện, môi trường và các công trình phúc lợi khác, bảo đảm nhân dân sớm được tiếp cận, thụ hưởng, an toàn, hiệu quả.
Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác phản biện xã hội và huy động các nguồn lực phục vụ công tác an sinh xã hội. Đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc thực hiện chính sách xã hội, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Tiếp tục thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...