Hà Nội kết nối

Đồng Nai: 209 người nhập viện trong vụ nghi ngộ độc thực phẩm

Thanh Tàu 02/05/2024 - 11:45

Sáng 2-5, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai vừa có báo cáo cập nhật gửi Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh Đồng Nai về tình hình ngộ độc thực phẩm tại thành phố Long Khánh hôm 1-5.

3535.jpg
Vụ nghi ngộ độc tại thành phố Long Khánh đã có 209 bệnh nhân nhập viện. Ảnh: Nghiêm Ý.

Tính đến 6h sáng 2-5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã tiếp nhận 209 trường hợp nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mì. Trong đó, 160 người vẫn đang điều trị, 5 người xin về, 43 người được xuất viện và có 1 trường hợp phải chuyển viện. Các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện hiện đã ổn định.

Sở Y tế tỉnh Đồng Nai đã cử Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm khẩn trương làm việc với Trung tâm Y tế thành phố Long Khánh và các cơ quan có liên quan của thành phố Long Khánh để điều tra nguyên nhân; tiếp tục chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh bảo đảm các điều kiện tốt nhất để điều trị cho các bệnh nhân đang nằm viện.

Cơ quan chức năng đã yêu cầu cơ sở bán bánh mì phải tạm ngưng hoạt động kinh doanh chế biến bánh mì đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

0602408.jpg
Lãnh đạo thành phố Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) thăm các bệnh nhân ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Nghiêm Ý.

Trước đó, vào khoảng 11h30 ngày 1-5, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh tiếp nhận một số bệnh nhân nhập viện với triệu chứng: Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt, đau bụng sau khi ăn bánh mì. Bệnh viện đã báo cáo cho Trung tâm Y tế thành phố Long Khánh và trung tâm đã tiến hành điều tra nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên.

Qua điều tra, tất cả các trường hợp nhập viện đều ăn bánh mì thịt (của cơ sở bánh mì Băng, địa chỉ: 148/18 Trần Quang Diệu, khu phố 2, phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) trong thời gian từ 15h-19h ngày 30-4. Sau khi ăn khoảng 4-8h thì xuất hiện các triệu chứng như: Đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài (một số trường hợp bị sốt). Khi nhập viện, các bệnh nhân được bác sĩ chẩn đoán nhiễm trùng đường ruột.

Cơ quan chức năng cho biết, cơ sở bán bánh mì có chứng nhận hộ kinh doanh, nhưng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; không có nhiều loại giấy tờ khác như: Giấy xác nhận tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, giấy khám sức khỏe người lao động, hợp đồng mua nguyên liệu thực phẩm.

Chủ cơ sở cho biết, nguyên liệu chế biến được lấy từ nhiều nơi tại thành phố Long Khánh.