Tháng Công nhân: Hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực cho người lao động
Tháng Công nhân (diễn ra từ ngày 1 đến 31-5) là một trong những đợt cao điểm tổ chức Công đoàn triển khai các hoạt động chăm lo đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Nét đặc biệt của năm nay là, các cấp công đoàn triển khai nhiều hoạt động cụ thể, chăm lo người lao động tốt hơn.
Những hoạt động thiết thực vì người lao động
Năm 2024 là năm thứ 13, Tháng Công nhân được tổ chức theo Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua mỗi năm, hoạt động của Tháng Công nhân ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và thiết thực hơn.
Điểm nhấn đầu tiên trong Tháng Công nhân năm nay là chương trình "Công nhân khỏe để lao động sản xuất". Hầu hết Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành đều tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, như giải bóng đá, thi bóng bàn, cầu lông trong công nhân, lao động.
Song song với đó, các "Bữa cơm công đoàn" được tổ chức tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị. Không chỉ mang tới khẩu phần đầy đặn hơn, nhiều món hơn, ngon hơn, bảo đảm dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm, hoạt động này còn đem lại niềm vui, sự phấn khởi cho đoàn viên, người lao động. Đây cũng là dịp để cán bộ Công đoàn trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, từ đó củng cố niềm tin của đoàn viên vào tổ chức Công đoàn cũng như phát triển đoàn viên mới.
Chương trình thứ hai, Tổng LĐLĐ chỉ đạo các cấp công đoàn tham gia với chính quyền địa phương, chủ sử dụng lao động triển khai hoạt động đối thoại quy mô cấp tỉnh, hoặc phạm vi doanh nghiệp. Thông qua đối thoại, các cấp công đoàn tiến hành thương lượng tiền lương, tiền thưởng, thu nhập của người lao động, ký kết thỏa ước lao động tập thể, mang lại các quyền lợi có tính chất lâu dài và tốt hơn cho đoàn viên và người lao động.
Tháng Công nhân năm 2024 cũng được xác định là tháng cao điểm phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở và triển khai hoạt động tôn vinh công nhân, lao động tiêu biểu.
Hà Nội tổ chức đa dạng các hoạt động chăm lo
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong những ngày đầu triển khai Tháng Công nhân ở Hà Nội, LĐLĐ một số quận và nhiều doanh nghiệp đã tổ chức nhiều hoạt động hướng về cơ sở, hướng về đoàn viên, người lao động.
Đơn cử, hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2024 do thành phố phát động, Xí nghiệp Xây lắp số 3 Hà Nội đã tổ chức tuyên truyền, tập huấn pháp luật về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ để người lao động cũng như người sử dụng lao động có ý thức thực hiện nghiêm các quy định, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, xí nghiệp cũng tiếp tục duy trì phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp, đảm bảo ATVSLĐ”.
Đảm bảo cho người lao động có môi trường làm việc an toàn cũng là mục tiêu Công ty cổ phần Môi trường đô thị Sóc Sơn hướng tới. Theo đó, với đặc thù người lao động thường xuyên làm việc ngoài đường phố, Công đoàn Công ty đã tổ chức cao điểm tuyên truyền về an toàn giao thông tới người lao động; tổ chức khám sức khỏe, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Cùng với đó là trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, giúp đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Tại Công ty Mani Hà Nội, ngay ngày đầu tiên của Tháng Công nhân năm 2024, mỗi bữa ăn ca của người lao động đã được tăng từ 23.000 đồng lên 25.000 đồng/người. Mặc dù chỉ là số tiền nhỏ nhưng đây là kết quả của sự đàm phán và thuyết phục của công đoàn cơ sở với ban lãnh đạo công ty nhằm từng bước cải thiện dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe cho công nhân.
Trong khi đó, LĐLĐ quận Đống Đa phát động đợt thi đua 95 ngày cao điểm trong công nhân, viên chức, người lao động, với điểm nhấn là tổ chức triển khai rộng khắp phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, “Đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”. Cùng đó, LĐLĐ quận tổ chức thăm hỏi, tặng quà, giúp đỡ cán bộ Công đoàn, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; rà soát các trường hợp đoàn viên đủ điều kiện để xây dựng, sửa chữa và trao tặng nhà “Mái ấm Công đoàn"...
Đặc biệt, tại quận Long Biên, 40 công nhân giỏi được LĐLĐ quận Long Biên tuyên dương dịp Quốc tế Lao động 1-5. Có thể kể đến một số gương tiêu biểu, như: Anh Trần Viết Toàn - Tổ trưởng tổ sửa chữa chung - Công ty TNHH Toyota Long Biên. Nhiều năm qua, anh luôn tích cực, nhiệt tình tham gia các hoạt động, phong trào thi đua tại Công ty. Trong đó, năm 2023, anh đoạt giải Nhất tại Hội thi tay nghề nội bộ do Toyota Long Biên tổ chức, đoạt giải Khuyến khích Hội thi thợ giỏi thành phố. Hay như chị Lê Thị Hồng Phương - nhân viên May mẫu (bậc thợ 5/6) Công ty cổ phần May mặc QTNP luôn có nhiều ý tưởng để công đoạn may tiết kiệm thời gian, đáp ứng yêu cầu hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Nhiều năm liền, chị được các cấp khen thưởng.
Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Nguyễn Trường Giang bày tỏ mong muốn các hoạt động chăm lo, tôn vinh người lao động tiêu biểu sẽ giúp công nhân có thêm động lực và cảm hứng để lao động sáng tạo, nỗ lực không ngừng nghỉ vì sự phát triển của đất nước, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của mình và sự lớn mạnh của doanh nghiệp.
Tháng Công nhân năm nay, ở cấp trung ương diễn ra các hoạt động trọng tâm như Lễ phát động Tháng Công nhân-Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024. Tổng Liên đoàn phối hợp với Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản tổ chức tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo của hệ thống chính trị các cấp trưởng thành từ công nhân, công đoàn”; đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, chia sẻ, lắng nghe, đối thoại với công nhân, lao động.
Điểm mới đáng chú ý, đó là Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ định hướng các hoạt động, đặt ra mục tiêu cần đạt được, phân cấp để các cấp công đoàn chủ động lựa chọn triển khai thực hiện, đảm bảo phù hợp với cơ sở, với nhu cầu của đoàn viên, người lao động.