Sức khỏe

Cứu nhiều bệnh nhân bị tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ

Thu Trang 01/05/2024 - 21:14

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội đã cấp cứu nhiều ca tai nạn sinh hoạt, tai nạn giao thông.

Điều đáng nói, có những trường hợp khi bị thương đã tự ý điều trị bằng phương pháp dân gian khiến tình trạng nặng thêm.

Cụ thể, vào tối 1-5, theo tin từ Bệnh viện E, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5, các bác sĩ khoa Cấp cứu của bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho một thanh niên (17 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng cánh tay và bàn tay xuất hiện nhiều vết thương chảy mủ, sưng nề do tai nạn sinh hoạt.

bvv-e.jpg
Bệnh viện E sẵn sàng cấp cứu người bệnh. Ảnh do Bệnh viện E cung cấp.

Trước đó, bệnh nhân bị mảnh kính vỡ rơi vào tay. Thế nhưng, thay vì đến bệnh viện, người nhà lại áp dụng các phương thức dân gian là nhai, đắp lá cây không rõ nguồn gốc, bôi mật gấu, rượu ngâm… vào vết thương của bệnh nhân.

Sau đó, vết thương không những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng hơn. Vết thương chảy mủ, sưng nề, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, cơ co cứng, khó vận động… Lúc này, gia đình mới vội vàng đưa người bệnh đến Bệnh viện E để điều trị.

Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ đã khám lâm sàng đánh giá mức độ nguy hiểm của vết cắt trên cánh tay rồi nhanh chóng loại bỏ dị vật, làm sạch vết thương và điều trị theo phác đồ.

Từ trường hợp trên, bác sĩ Nguyễn Phú Tiến, khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E, khuyến cáo, người bệnh khi gặp những tai nạn gây vết thương chảy máu nên tìm khăn, vải hoặc quần áo sạch băng bó vết thương. Sau đó, nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.

Ngoài ra, khi bị thương, người bệnh tránh dùng những vật liệu bẩn (lá cây, thuốc lào, cát…) đắp vào vết thương dễ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, thậm chí dẫn đến việc phải cắt cụt chi và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.

Tương tự, sáng 1-5, trong lúc làm việc tại Hưng Yên, người đàn ông (31 tuổi, quê ở Sơn La) bị trượt chân vào máy nghiền nhựa. Chủ cơ sở đứng gần đó vội vàng tắt nguồn điện, lôi người đàn ông này ra khỏi máy, tiến hành sơ cứu. Tiếp đến, bệnh nhân được chuyển thẳng đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

bv-viet-duc.jpg
Cấp cứu người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt-Đức. Ảnh: Phương Bình

Bác sĩ Nguyễn Mộc Sơn, khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, nam bệnh nhân được đưa đến bệnh viện trong tình trạng thiếu máu, tổn thương xương, phần mềm… khá nặng. Ngay lập tức, bệnh nhân được mổ cấp cứu. Các bác sĩ cố gắng hết sức để cứu được chiếc chân cho bệnh nhân.

Bên cạnh các ca tai nạn do sinh hoạt và lao động, trong 5 ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị tai nạn giao thông.

Trong 5 ngày nghỉ lễ, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức tiếp nhận cấp cứu 150 bệnh nhân, chủ yếu do tai nạn giao thông (chiếm 50%), còn lại là các ca tai nạn sinh hoạt, tai nạn lao động. Trong số đó có nhiều trường hợp bị chấn thương nặng, đa chấn thương, chấn thương sọ não...

Để bảo đảm cho ứng trực cấp cứu trong kỳ nghỉ lễ, Ban lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã yêu cầu các phòng ban sẵn sàng nhân lực, vật lực, trang thiết bị y tế cho công tác khám, điều trị, phẫu thuật… Mỗi tua trực, mổ cấp cứu được bố trí từ 25-30 y, bác sĩ để bảo đảm cứu chữa người bệnh kịp thời nhất.