Nông nghiệp

Phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái: Hướng đi hiệu quả của ngành Nông nghiệp Thủ đô

Đỗ Minh 01/05/2024 - 06:47

Hoa, cây cảnh là những cây trồng chủ lực khi ngành Nông nghiệp Hà Nội thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Đặc biệt, với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, sạch gắn với du lịch thì phát triển hoa, cây cảnh đã, đang trở thành hướng đi được các địa phương lựa chọn.

du-lich-sinh-vat-canh.jpg
Du khách tham quan Làng du lịch sinh vật cảnh xã Hồng Vân (huyện Thường Tín). Ảnh: Hoàng Phúc

Góp phần tạo giá trị gia tăng lớn

Thực tế từ nhiều năm qua, Hà Nội đã tập trung phát triển, mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh. Theo đó, từ năm 2012, Hà Nội đã triển khai Đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh thành phố giai đoạn 2012-2016. Việc thực hiện đề án đã giúp Hà Nội hình thành nhiều vùng trồng hoa, cây cảnh, góp phần tạo giá trị gia tăng rất lớn cho ngành Nông nghiệp. Hiện, Hà Nội có khoảng 8.000ha hoa, cây cảnh, trong đó 70% diện tích được trồng tập trung ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Mê Linh, Đan Phượng. Nhiều mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế hàng tỷ đồng/ha/năm. Ngoài ra, Hà Nội có 61 cơ sở ứng dụng công nghệ cao hoặc sản phẩm công nghệ cao trong quá trình sản xuất hoa, với tổng diện tích 122,5ha; khoảng 77,3ha trồng hoa trong nhà màng, nhà lưới. Đặc biệt, Hà Nội cũng hình thành Làng du lịch sinh vật cảnh xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) - điển hình về phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh gắn với du lịch sinh thái.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho hay: Hồng Vân đã lựa chọn trồng hoa, cây cảnh là hướng phát triển đột phá trên cơ sở tận dụng thế mạnh từ vùng bãi. Theo đó, xã đã đa dạng các vườn hoa theo mùa gắn với du lịch sinh thái, trải nghiệm độc đáo.

Tuy vậy, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, mặc dù Hà Nội đã hình thành một số mô hình ứng dụng công nghệ cao trong trồng hoa nhưng công nghệ mới chỉ chủ yếu là nhà màng, nhà lưới, chưa nhiều nhà kính kết hợp tưới nước tiết kiệm, điều khiển nhiệt độ, độ ẩm...

“Là sản phẩm chủ lực, song đến nay, Hà Nội vẫn chưa khai thác tối đa nguồn lực từ hoa, cây cảnh. Hầu hết mô hình có quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, chưa tạo ra những vùng hoa thương hiệu”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển

Khi bàn luận về định hướng phát triển nông nghiệp của Hà Nội, GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nông nghiệp Hà Nội ngoài chức năng cung cấp lương thực, thực phẩm, giải quyết việc làm, còn có nhiệm vụ tạo lập cảnh quan, cải thiện khí hậu, bảo vệ môi trường. Việc phát triển các mô hình nông nghiệp cần bám vào định hướng này và hoa, cây cảnh là lựa chọn có tính tối ưu nhất hiện nay.

Trong khi đó, theo PGS.TS Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam), với định hướng phát triển các vành đai xanh của Thủ đô, thì hoa, cây cảnh là sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế nông nghiệp xanh. Phát triển hoa, cây cảnh không chỉ tạo không gian du lịch, tạo điểm nhấn, mà còn là ngành kinh tế có thu nhập “bạc tỷ”. Đơn cử như nghề trồng đào, quất ở phường Tứ Liên, quận Tây Hồ. Bên cạnh giá trị kinh tế cao, đào, quất Tứ Liên còn là sản phẩm có tính văn hóa, lịch sử của Thủ đô. Hay như sen Tây Hồ cũng vậy, loài hoa đặc trưng, có tính thẩm mỹ và còn góp phần tạo ra sản phẩm “Trà sen” rất giá trị. Câu chuyện ở đây chính là kết nối kinh tế - văn hóa, tạo không gian xanh, đặc trưng cho Thủ đô từ nhóm hoa, cây cảnh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng đã chỉ rõ, trong quy hoạch phát triển nông nghiệp, Hà Nội đặc biệt chú trọng quy hoạch các vành đai xanh cho Thủ đô. Đặc biệt, trong điều kiện quỹ đất hạn hẹp hiện nay, việc phát triển các mô hình hoa, cây cảnh là lựa chọn hàng đầu. Đây cũng là mô hình được rất nhiều đô thị, thủ đô lớn trên thế giới xây dựng...

Để khắc phục hạn chế trong hình thành vùng trồng hoa, cây cảnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế, chính sách cho phát triển nhóm cây trồng này, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Thành phố sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học để lựa chọn sản phẩm chủ lực trong định hướng phát triển hoa, cây cảnh. Theo đó, ngoài những nhóm cây, hoa chính như: Đào, quất, hoa hồng, hoa lan, cúc… cần mở rộng, bên cạnh việc đa dạng về giống hoa, cây cảnh khác. Việc phát triển các loại hoa, cây cảnh cần phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu...

Cùng với tháo gỡ về chính sách, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong sản xuất nhóm cây hoa, cây cảnh. Dự kiến đến năm 2025, diện tích canh tác hoa, cây cảnh toàn thành phố đạt khoảng 9.000ha. Ngoài các vùng hoa truyền thống hiện nay, Hà Nội sẽ chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây, đặc biệt là vùng bãi ven sông.

"Bên cạnh đưa giống hoa, cây cảnh mới, chất lượng cao vào sản xuất, thời gian tới, thành phố cũng tăng cường liên kết hình thức kinh tế hợp tác nông hộ với doanh nghiệp, hình thành các vùng sản xuất - tiêu thụ hoa, cây cảnh kết hợp du lịch sinh thái; duy trì thương hiệu, nhãn hiệu vùng hoa truyền thống", Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển:
Phát triển hoa, cây cảnh vùng ven sông

ykien-nguyen-trong-khien.jpg

Những năm qua, huyện Thanh Oai đã hình thành một số vùng trồng hoa, cây cảnh cho hiệu quả kinh tế lớn như vùng trồng quất, bưởi cảnh ở các xã Kim An, Cao Viên... cho doanh thu trung bình 500-700 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay, các địa phương có diện tích đất ngoài đê sông Hồng đã khai thác tối đa để trồng hoa, cây cảnh xen canh rau màu, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.

Thời gian tới, huyện khuyến khích các nhà vườn đưa các giống hoa, nhóm cây cảnh có dáng độc đáo, phù hợp khuôn viên nhà ở đô thị vào sản xuất. Huyện sẽ khảo sát các xã ven sông, vùng bãi để hỗ trợ nông dân chuyển đổi xây dựng mô hình trồng hoa, cây cảnh. Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội mở rộng giao thông khu vực ngoài bãi, hoàn thiện hệ thống thủy lợi vùng bãi nhằm tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả vùng trồng hoa, cây cảnh tập trung, huyện khuyến khích người dân thuê đất, chuyển đổi đất sản xuất với cây trồng phù hợp trong đó có hoa, cây cảnh...

Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích:
Ứng dụng công nghệ, nâng cao giá trị

ykien-bui-huong-bich.jpg

Để tạo sản phẩm hoa chất lượng cao, Hợp tác xã Đan Hoài đã đầu tư 85 nhà màng, nhà lưới, diện tích khoảng 20.000m2, áp dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, điều tiết nhiệt độ, ánh sáng. Hiện, Hợp tác xã đã làm chủ được quy trình trồng, chăm sóc, xử lý ra hoa hàng loạt đối với lan hồ điệp, đạt chất lượng cao. Nhờ sự đầu tư bài bản, khoa học, những năm qua, Hợp tác xã Đan Hoài cung cấp cho thị trường khoảng 1 triệu cây giống và lan hồ điệp thương phẩm/năm; doanh thu 4-5 tỷ đồng/năm.

Quá trình sản xuất cho thấy, khoa học công nghệ chính là “chìa khóa” để gia tăng giá trị của các ngành kinh tế, trong đó có sản xuất hoa công nghệ cao. Theo đó, hằng năm, Hợp tác xã giới thiệu và chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho người dân, các đơn vị trong và ngoài thành phố đưa ra thị trường hàng chục vạn cây giống và cây hoa lan hồ điệp chất lượng cao. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật tối đa trong sản xuất hoa của hợp tác xã còn góp phần cải tạo đất trồng, lai tạo các giống hoa có khả năng thích ứng vùng đất canh tác bạc màu, khô hạn…

Ông Phạm Đức Tài (xã Mê Linh, huyện Mê Linh):
Sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường

ykien-pham-duc-tai.jpg

Xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, người dân trên địa bàn xã thường xuyên sưu tầm giống hoa mới, cây bonsai, tiểu cảnh... sau đó tìm cây hoa hồng cắt tỉa, uốn dáng khác nhau phù hợp nhu cầu thị trường, vì vậy tôi đã lựa chọn trồng, cung cấp các sản phẩm đáp ứng nhu cầu này, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, diện tích trồng hoa của gia đình tôi là 7.200m2 với hàng chục nghìn gốc hồng chậu, hồng thế từ giống hồng cổ, hồng ngoại; trong đó có khoảng 4.000 gốc bonsai, 500 gốc hồng cao từ 2,5m trở lên, 3.000 gốc thân gỗ chi dâu và 2.000 gốc hồng bụi…

Tuy nhiên, để hỗ trợ nông dân mở rộng diện tích trồng hoa theo hướng công nghệ cao, tôi cho rằng, các ngành chức năng cần hỗ trợ một phần kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, khuyến khích các hộ dân đầu tư xây dựng khu nhà màng, nhà lưới. Cùng với đó, hỗ trợ tập huấn kiến thức, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc hoa trong nhà màng, nhà lưới, ứng dụng phương pháp tưới tiết kiệm cho nông dân, bảo đảm diện tích trồng hoa đạt năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Dung - Huyền