Chính trị

Tầm nhìn chiến lược về xây dựng giai cấp công nhân Thủ đô

PGS.TS Trần Viết Lưu 01/05/2024 - 06:34

Giai cấp công nhân Thủ đô Hà Nội kể từ ngày có Đảng lãnh đạo, luôn luôn là lực lượng gương mẫu, tiên phong trong lĩnh hội, truyền bá lý luận cách mạng, là nòng cốt của mọi phong trào cách mạng, đóng vai trò chủ công, quyết định vào những thời khắc bước ngoặt lịch sử dân tộc.

Do đó, sẽ không thể hiện thực được khát vọng dân tộc hùng cường vào giữa thế kỷ XXI, nếu như thiếu tầm nhìn tư duy chiến lược đối với lực lượng quan trọng này.

cong-nhan.jpg
Công nhân Tổng công ty May 10 - Công ty CP thực hiện nghi thức chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca vào sáng thứ hai hằng tuần. Ảnh: Như Ý

1. Đánh giá vai trò của giai cấp công nhân trên địa bàn Hà Nội trong tiến trình cách mạng Việt Nam từ khi chuẩn bị điều kiện chín muồi thành lập Đảng tới khi Đảng ra đời lãnh đạo cách mạng.

Dưới sự tác động bởi 2 cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp, Hà Nội mau chóng trở thành một trung tâm công nghiệp mang tính tổng hợp với nhiều loại ngành nghề, có khả năng kết nối tự nhiên với công nhân ở các vùng lân cận và trong cả nước.

Giai cấp công nhân trên địa bàn Hà Nội xuất thân từ giai cấp nông dân như lẽ tự nhiên trong hoàn cảnh lịch sử Việt Nam. Vì vậy, họ là hiện thân cho mối quan hệ máu thịt giữa 2 giai cấp bần cùng nhất trong xã hội thực dân, phong kiến ở Việt Nam và đều có chung mối hận thù đế quốc, phong kiến tay sai.

Cũng trong bối cảnh lịch sử nói trên, Hà Nội là đầu não bộ máy thống trị hà khắc của thực dân Pháp ở Đông Dương, là điển hình bộ máy phong kiến bóc lột tận xương tủy người nông dân ở Bắc Kỳ. Hà Nội còn là nơi có đông đảo tầng lớp trí thức phong kiến, trí thức âu hóa, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, nơi góp mặt của những văn nghệ sĩ làm cầu nối giữa đời sống nặng lòng hoài cổ và trăn trở đời sống tân thời. Các mối quan hệ chằng chịt đó được dựa trên cơ sở mối quan hệ nhân lõi là sự liên minh công nhân và nông dân.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, có một phần đóng góp quan trọng bậc nhất của phong trào vô sản hóa, kết hợp với phong trào yêu nước ở Hà Nội, ở Bắc Kỳ, tạo nên làn sóng đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân sinh, dân chủ, ẩn đằng sau đó là đấu tranh giải phóng dân tộc. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào công nhân ở Hà Nội trở nên sôi nổi, mạnh mẽ, chuyển biến cả về lượng và chất, thực sự là ngọn cờ tiên phong trong các cao trào cách mạng. Khi thời cơ vàng ngàn năm có một xuất hiện, giai cấp công nhân Hà Nội sát cánh cùng giai cấp nông dân vùng lên với sức mạnh như triều dâng thác đổ, làm tê liệt bộ máy thực dân, phát xít, phong kiến, giành chính quyền về tay cách mạng, lập ra chế độ mới Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) vào ngày 2-9-1945. Trong những ngày đầu dựng xây chế độ dân chủ nhân dân, giai cấp công nhân Hà Nội đóng vai trò nòng cốt sản xuất những sản phẩm thiết yếu, cùng với nông dân làm ra của cải vật chất nuôi sống xã hội, góp sức đưa đất nước vượt qua tình thế ngàn cân treo sợi tóc.

Trong 2 cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại, giai cấp công nhân trên địa bàn Hà Nội là hiện thân cho phương thức sản xuất hiện đại cơ khí hóa. Họ được Đảng, Nhà nước, được Đảng bộ, chính quyền thành phố quan tâm xây dựng, phát triển cả về lượng và chất, từng bước tiếp cận, làm chủ thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến. Họ hăng hái làm hạt nhân trong các phong trào thi đua ái quốc, chắc tay búa, vững tay súng. Sau ngày nước nhà thống nhất, giai cấp công nhân Hà Nội cùng giai cấp công nhân cả nước tiếp tục là trụ cột trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước; họ vượt lên mọi khó khăn, thách thức để làm việc gấp ba, gấp năm lần, mong cung ứng những sản phẩm thiết yếu cho đất nước đứng vững trước cơn bão táp thời đại.

Bước vào công cuộc đổi mới, giai cấp công nhân Hà Nội càng chứng tỏ ý chí tự lực, tự cường, bản lĩnh cách mạng, chủ động, sáng tạo gương mẫu đi đầu trong phát triển kinh tế - một mặt trận được Đảng xác định là trung tâm của sự nghiệp đổi mới. Nhờ có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Đảng bộ, chính quyền Thủ đô, đặc biệt là tự mình đổi mới, nâng tầm, nên giai cấp công nhân Hà Nội có nhiều chuyển biến mang tính cách mạng.

Số doanh nghiệp và số lao động toàn thành phố ngày càng tăng, hiện có khoảng 270.000 doanh nghiệp, với trên 2,7 triệu lao động. Thu nhập của công nhân lao động cơ bản được bảo đảm theo quy định, đều tăng qua các năm, tiền lương bình quân năm 2008 của người lao động trên 2 triệu đồng/người/tháng, đến năm 2023 đã tăng lên mức 6,5 triệu đồng/người/tháng. Việc chăm lo về nhu cầu nhà ở cho công nhân cũng được thành phố quan tâm đầu tư. Đặc biệt, trong 15 năm qua, đã có 101.695 đoàn viên công đoàn ưu tú được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (trong đó có 12% đoàn viên thuộc doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước được kết nạp Đảng). Thành tựu có tính lịch sử của Việt Nam qua gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, chắc chắn có một phần đóng góp rất quan trọng của giai cấp công nhân cả nước nói chung và công nhân Thủ đô nói riêng.

cong-nhan-1.jpg
Dây chuyền sản xuất tại Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp. Ảnh: Nguyễn Quang

2. Định hướng xây dựng giai cấp công nhân Thủ đô ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, hội nhập quốc tế.

Do vị trí địa - lịch sử, địa - chính trị, địa - xã hội nên giai cấp công nhân Thủ đô cần tiếp tục được chú trọng quan tâm xây dựng đội ngũ ngày càng vững mạnh về tư tưởng, đông đảo và kết nối chặt chẽ về lực lượng, làm chủ kiến thức khoa học, công nghệ tiên tiến từ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chủ động, sáng tạo, cần cù trong lao động. Các cấp, các ngành liên quan cần có tầm nhìn chiến lược, đưa hoạt động xã hội và phong trào công nhân Thủ đô đi trước một bước, làm gương cho công nhân cả nước. Dù ở bất kỳ vùng miền nào hội tụ về Thủ đô lao động và sinh sống, thì giai cấp công nhân Hà Nội phải hiện thân cho những giá trị truyền thống văn hiến, văn minh, anh hùng. Đây cũng là trách nhiệm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Ngoài ra, các cấp, các ngành liên quan cần có chính sách lâu dài về quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong đội ngũ công nhân Thủ đô, coi đây là nhiệm vụ lớn, thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hà Nội là trung tâm lớn về khoa học, công nghệ, vì vậy cần phải phát huy lợi thế này vào việc nâng cao chất lượng chuyên môn đội ngũ công nhân. Hà Nội là cửa ngõ giao lưu quốc tế, hội nhập toàn cầu, nên ngoài việc bồi đắp các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng và sự giao thoa các giá trị văn hóa vùng miền, giai cấp công nhân Hà Nội phải thể hiện vai trò đại sứ thân thiện với đội ngũ kỹ sư, công nhân, chủ doanh nghiệp từ các nước. Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị của đất nước, do đó, giai cấp công nhân Hà Nội hơn ai hết phải luôn ý thức trách nhiệm xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước, chế độ. Hà Nội có đặc thù vừa có phố, vừa có làng, nên cần tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa công nhân và nông dân, tạo nên rường cột cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Sẽ là thiếu biện chứng, nếu như chỉ đòi hỏi giai cấp công nhân Hà Nội phải cống hiến cho đất nước, mà quên đi việc đặt ra trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, xã hội trong việc cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giai cấp công nhân. Do đó, việc cần kíp là các cấp có thẩm quyền phải hết sức quan tâm và tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, có sự ràng buộc trách nhiệm của chủ sử dụng lao động, bảo đảm các điều kiện căn bản, thiết yếu duy trì cuộc sống của người công nhân và gia đình họ. Đó mới thực sự đặt người công nhân vào trung tâm của tiến bộ, công bằng và là nền tảng phát triển bền vững.