Văn nghệ

Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024): Ký ức ngày 30-4-1975 của những người “cầm bút ra trận”

Triệu Sơn 30/04/2024 09:40

Nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà thơ Anh Ngọc, nhà báo Trần Mai Hưởng là những người trực tiếp tham dự chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Những ký ức về giai đoạn lịch sử hào hùng ấy đã trở thành chất liệu để các ông viết nên những tác phẩm văn học, báo chí phản ánh chân thực, sinh động cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc ta.

Những ngày cả nước chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thật hữu duyên khi tôi được trò chuyện với nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà thơ Anh Ngọc và nhà báo Trần Mai Hưởng, và có cảm nhận dường như khí thế hào hùng của những năm tháng ấy vẫn chưa xa. Vẫn là hồi ức được sống, chiến đấu trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vẫn là sự khắc khoải, xót xa khi nhắc nhớ về những người đồng đội, đồng nghiệp đã hy sinh. Vẫn còn đó sự tiếc nuối, những điều mà các ông nghĩ mình có thể làm tốt hơn, trọn vẹn hơn nếu quay lại ở thời kỳ đó. Vẫn là sự hy vọng và niềm tin về giới trẻ hôm nay sẽ tiếp bước thế hệ cha anh để viết nên “thiên sử vàng” của dân tộc.

638485562668123230-z5342419447206_f1b07bb42c5895d01c368c194fc740e5.jpg
Các nhà văn quân đội (từ trái sang phải): Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Hữu Thỉnh, Khuất Quang Thụy tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Gần nửa thế kỷ trước, nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà thơ Anh Ngọc và nhà báo Trần Mai Hưởng đều là những chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết. Mỗi người tham dự cuộc kháng chiến với nhiệm vụ khác nhau nhưng rồi họ đều may mắn có mặt trong đoàn quân tiến về Sài Gòn và 2 trong 3 người được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử khi lá cờ chiến thắng tung bay trên nóc dinh Độc Lập.

Nhà văn Khuất Quang Thụy đến với cuộc kháng chiến với tư cách là một người lính trinh sát, nhưng rồi chiến tranh với sự khốc liệt của nó đã thôi thúc ông cầm bút làm thơ rồi viết văn, làm báo. Nhà thơ Anh Ngọc thời điểm ấy là phóng viên Báo Quân đội nhân dân, còn nhà báo Trần Mai Hưởng là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam được phân công vào Nam để đưa tin về chiến dịch Hồ Chí Minh
lịch sử.

Thời điểm trưa ngày 30-4-1975, nhà văn Khuất Quang Thụy cùng với mũi đột kích của Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 vào tới dinh Độc Lập từ phía Đồng Dù (Củ Chi) và chứng kiến cảnh những người lính cắm lá cờ lên cổng sắt phía tây dinh Độc Lập (chỗ đối diện với Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn). Khi Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ông đã ở cửa sau dinh Độc Lập. Biết ông đi từ phía Đồng Dù vào dinh, một đồng nghiệp ở Thông tấn xã Việt Nam đã đề nghị ông tường thuật cuộc hành quân từ mũi tấn công này. Được sự tin tưởng từ cơ quan thông tấn quốc gia, ông hăm hở vào Văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa tìm giấy viết. Cuối cùng, ông đã tìm thấy và viết trên tập giấy tiêu đề còn nguyên mấy chữ “Đổng lý Văn phòng Phủ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa” ở đầu trang. Để đồng nghiệp dễ dàng đọc, ông đã cố tình viết to, chữ nắn nót và mạch lạc toàn bộ quá trình mũi đột kích của Trung đoàn 64 tiến vào dinh Độc Lập.

Trở về từ sau cuộc chiến, ký ức về những năm tháng đấu tranh vì mục tiêu thống nhất đất nước ấy đã trở thành tư liệu quý giúp nhà văn Khuất Quang Thụy có chất liệu dày dặn để viết về cuộc kháng chiến mà mình và đồng đội đã trải qua, trong đó có các tiểu thuyết “Trong cơn gió lốc”, “Góc tăm tối cuối cùng”... Riêng tác phẩm “Không phải trò đùa” đã giúp ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007.

Cũng may mắn có mặt tại dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975, nhưng nhà báo Trần Mai Hưởng lại có vinh dự chụp được bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng tiến vào dinh Độc Lập 30-4-1975” - một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng mùa xuân 1975. Trong hồi ký của mình, ông viết: “Xe chúng tôi lao về phía dinh Độc Lập. Người lái xe lúng túng vì thành phố quá lớn và có rất nhiều ngả đường. Sau mấy lần được chỉ dẫn, chúng tôi cũng đến nơi. Những chiếc xe tăng đi đầu đã đến trước ít phút. Cánh cửa sắt của dinh Độc Lập đã bị hất tung. Vừa vào trong dinh, tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng chính của dinh. Một hình ảnh rất đẹp: Nắng rực rỡ, xe tăng vừa vào ngang cổng, cánh cửa sắt đổ sập vẫn nằm trên mặt đất, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh Sư đoàn 304 đồng hành tiến hiên ngang bên tháp pháo. Tôi đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó”. Nhớ lại thời khắc đó, ông đọc cho tôi nghe những câu thơ ghi lại khoảng thời gian đó bằng niềm tự hào, hãnh diện: “Mỗi dòng tin một tấm hình/ Nôn nao nhớ bạn bè mình thuở xưa/ Ngàn xa khuất nẻo bến bờ/ Dở dang mãi những ước mơ không thành/ Tay run mình đỡ tháng năm/ Nghe thời gian khẽ chảy ngang mặt người” (bài thơ “Phóng viên chiến trường”).

638485562658294222-z5342414351423_6ac1fe1257fe59c1a7ad0d23ad4d440a.jpg
Bức ảnh nổi tiếng của nhà báo Trần Mai Hưởng.

Không được có mặt tại dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975 như hai đồng nghiệp Trần Mai Hưởng và Khuất Quang Thụy, thời điểm nghe tin thành phố Sài Gòn giải phóng, nhà thơ Anh Ngọc và đồng đội đang tới tiếp quản Tổng nha Cảnh sát. Đêm đó là đêm đầu tiên ông nằm ở Sài Gòn sau mấy tháng trời ở rừng. Vì điều kiện mới tiếp quản còn nhiều nguy hiểm nên đơn vị được hạ lệnh mắc võng ngoài vườn hoa. Chính cái khoảnh khắc giao thời ấy đã cho ông rất nhiều cảm xúc sáng tác. Và bài thơ “Nơi mắc võng” ra đời từ đó: “Lần đầu về với Sài Gòn/ Loay hoay tìm nơi mắc võng/ Nhìn bốn bức tường nhẵn bóng/ Thương tình chẳng dám đóng đinh/ Suốt đêm nằm không trở mình/ Hai đầu võng treo song cửa/ Mơ màng nửa thức nửa ngủ/ Bâng khuâng nửa phố nửa rừng/ Ru anh như chiếu như giường/ Đệm chăn nằm không bén gối/ Trong mơ chợt nghe tiếng suối/ Mở mắt quạt trần đang quay”.

Nhắc đến ngày thống nhất đất nước, nhà thơ Anh Ngọc lại nhớ về sự kiện ngày 1-6-1975, khi đoàn nghệ sĩ miền Bắc vào miền Nam biểu diễn giao hưởng mừng Sài Gòn giải phóng. Với ông, đêm nhạc ấy là mốc đáng nhớ để mọi người nhận ra rằng chiến tranh đã qua rồi, non sông thu về một mối, từ nay những tấm lòng của hàng chục triệu người Việt Nam cùng hòa hợp trong mọi sự buồn vui của đất nước thống nhất.

“Bữa đó ngồi trên khán đài, lòng tôi dâng trào cảm xúc và đó cũng là chất liệu để tôi sáng tác bài thơ “Sài Gòn đêm giao hưởng”. Tôi đã khai thác sự đối lập giữa quang cảnh thành phố phồn hoa đô hội với anh bộ đội giải phóng giản dị vốn quen với núi rừng ngay trong khổ mở đầu bài thơ: “Chúng tôi là một mảng màu xanh/ Trong rực rỡ bức tranh Sài Gòn đêm giao hưởng/ Đôi dép lốp bước lên thềm Nhà hát Lớn/ Để rơi mấy hạt bụi đường trường...” - nhà thơ Anh Ngọc nhớ lại.

Những ngày tháng 4 này, cả nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà báo Trần Mai Hưởng và nhà thơ Anh Ngọc đều bận rộn với những cuộc gặp gỡ với đồng đội, đồng nghiệp, những nhân chứng sống của lịch sử. Tuổi đã cao nhưng khi ngồi lại bên nhau, cùng nhớ về những ngày tháng đã qua, họ không khỏi tự hào. Chiến tranh, tuy có mất mát, khốc liệt và hy sinh nhưng nếu được chọn lại, họ vẫn chọn con đường trở thành một người lính, người cầm bút chép sử ở chiến trường.