Kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024):Từ khát vọng thống nhất non sông đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh”
Ngày 30-4-1975 có ý nghĩa đặc biệt với người Việt Nam. Đó là ngày mà Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Thắng lợi đó là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, mở ra kỷ nguyên độc lập, thống nhất, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của Bác Hồ.
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”
“Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” là tư tưởng kiên định, là ý chí của dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói lần đầu vào tháng 2-1958. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Người đã nhiều lần nhắc lại nguyên tắc này.
Nhìn sâu xa hơn, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một” còn là chân lý ngàn đời của Việt Nam, thể hiện tình cảm thiêng liêng, ý chí sắt đá bảo vệ sự toàn vẹn non sông mà không một thế lực nào phá vỡ được.
Do những biến động lịch sử, nhiều dân tộc trên thế giới đã bị chia rẽ, hợp tan rồi bị cuốn vào những vòng xoáy xung đột, binh đao. Nỗi đau bị chia cắt, mất đoàn kết là bài học lớn mà Hồ Chí Minh đã từng chứng kiến, suy ngẫm để rồi biến nó thành khát vọng thống nhất, độc lập.
Thời Pháp thuộc, để dễ bề cai trị, thực dân Pháp chia nước ta thành Nam kỳ - Trung kỳ - Bắc kỳ, với ba chế độ khác biệt. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, lãnh đạo nhân dân làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh và tuyên bố độc lập, thống nhất, xóa bỏ chế độ phân chia Bắc - Trung - Nam của nhà nước thực dân.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngay từ đầu, chúng ta đã không chủ quan về một kẻ thù mới, song vẫn hy vọng cơ hội thống nhất đất nước sẽ có được sau 2 năm ký Hiệp định Genève về Đông Dương. Song Hiệp định Genève đã bị các thế lực thù địch phá hoại hòng chia cắt đất nước, tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Nhân dân Việt Nam buộc phải tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến vô cùng gian lao.
Dù phải chiến đấu với một kẻ thù rất mạnh nhưng với ý chí sắt đá, với niềm tin mãnh liệt và khát vọng thống nhất non sông, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!”... Tinh thần ấy truyền cảm hứng đến đồng bào, chiến sĩ cả nước, được thể hiện cụ thể trong chỉ đạo chiến lược cách mạng Việt Nam để rồi đưa cuộc kháng chiến đến toàn thắng vào ngày 30-4-1975.
Mục tiêu dân giàu, nước mạnh
Tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc (1-1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Trong những năm tháng lãnh đạo đất nước, Bác Hồ luôn yêu cầu thực hiện phương châm: “Làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành”.
Ngày 24-1-1947, trong thư chúc Tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, Người viết: “Chương trình nội chính của Chính phủ chỉ có 3 điều mà thôi. Tăng gia sản xuất để làm cho dân ai cũng đủ mặc, đủ ăn. Mở mang giáo dục để cho ai nấy cũng biết đọc, biết viết. Thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ, tự do”.
Như vậy, ngay từ khi đất nước vừa giành được độc lập, Bác Hồ đã hết sức quan tâm đến đời sống nhân dân, khuyến khích động viên nhân dân tăng gia sản xuất, làm kinh tế để cải thiện đời sống, vừa kháng chiến vừa kiến quốc.
Sau năm 1975, Việt Nam đối mặt với một nền kinh tế yếu kém, mất cân đối, bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Trước thực trạng đó, Nhà nước tập trung khắc phục từng bước hậu quả nặng nề của chiến tranh.
Thời kỳ này, Nhà nước quản lý nền kinh tế chủ yếu bằng mệnh lệnh hành chính dựa trên hệ thống chỉ tiêu pháp lệnh áp đặt từ trên xuống dưới. Các doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các chỉ tiêu pháp lệnh được giao. Cơ chế quản lý kinh tế quan liêu đã khiến nền kinh tế rơi vào bế tắc. Năm 1986, Việt Nam đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đưa nền kinh tế thoát khỏi cơn suy thoái kéo dài.
Đầu thế kỷ XXI, Việt Nam đã vượt qua các thách thức để vươn lên và bứt phá, đạt được những bước phát triển nhanh, toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.
Từ năm 2000 đến nay, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới chính trị gắn liền với đổi mới kinh tế. Nhờ đó, công tác đổi mới chính trị, nhất là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và củng cố chế độ chính trị đã đạt được những kết quả nổi bật, đó là: Quyền lực Nhà nước được thực thi thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan; hệ thống chính trị được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường; quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực đời sống xã hội được phát huy và đi vào thực chất; quyền con người, quyền công dân được Nhà nước tôn trọng và bảo đảm...
Sánh vai với cường quốc năm châu
Ba ngày sau khi thay mặt quốc dân đồng bào đọc “Tuyên ngôn độc lập”, Bác Hồ đã gửi thư cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945 - 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong thư có đoạn: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu.
Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Giờ đây, khi tôi đang viết những dòng này, nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, bền vững và trở thành “điểm sáng” trong “bức tranh tối màu” của nền kinh tế toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam bình quân giai đoạn 2001 - 2010 tăng 7,26%, giai đoạn 2011 - 2021 đạt khoảng 6% dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Tốc độ này đứng thứ nhì châu Á, chỉ sau
Trung Quốc.
Việt Nam có quan hệ thương mại với 224 đối tác và hơn 500 tổ chức quốc tế; đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương; tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 15 hiệp định đã và đang thực hiện, 2 hiệp định đang trong quá trình hoàn tất đàm phán.
Quan hệ đối ngoại đất nước đi vào chiều sâu và hội nhập quốc tế toàn diện. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng.
Việt Nam cũng đang là thành viên tin cậy, có trách nhiệm của Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế như ASEAN, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)... Những thành tựu trong công tác đối ngoại đã góp phần thu hút nguồn ngoại lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, duy trì hòa bình, ổn định, giữ vững an ninh quốc gia; giải quyết hiệu quả các vấn đề biên giới, lãnh thổ, biển đảo với các nước có liên quan, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Trên hành trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện, thế và lực của đất nước được nâng lên tầm cao mới, trở thành đối tác tin cậy của những cường quốc hàng đầu thế giới. Đây là tiền đề để Việt Nam tiếp tục đổi mới, phát triển trong tương lai. Hành trình đổi mới với sự hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân, cùng với thiên thời, địa lợi, nhân hòa đã, đang và sẽ tạo động lực đưa Việt Nam trở nên giàu mạnh, sánh vai với các cường quốc năm châu như nguyện ước của Bác Hồ.