Bản lĩnh Việt Nam trong phát triển kinh tế
Từ khi Đảng ta tiến hành công cuộc đổi mới, nền kinh tế đất nước gặt hái được nhiều thành tựu to lớn.
Việt Nam đã chuyển mình, trở thành nước có thu nhập trung bình, để lại nhiều ấn tượng cũng như ghi dấu ấn đậm nét trong cộng đồng quốc tế. Những thành công đạt được trong lĩnh vực kinh tế thời gian qua là minh chứng sáng giá nhất của bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam…
Những dấu ấn vượt “bão gió”
Dịch Covid-19 xuất hiện bất ngờ, nguy hiểm và gây ra tác hại khủng khiếp trên toàn cầu, đã đẩy hầu hết các quốc gia vào vòng bị động. Việt Nam cũng không là ngoại lệ khi cộng đồng doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề, đời sống người dân và sinh hoạt xã hội đảo lộn…
Khi hệ lụy của dịch Covid-19 vẫn còn kéo dài thì nền kinh tế trong nước lại tiếp tục đối mặt với những tác động từ bên ngoài, mà điển hình là xung đột tại nhiều khu vực trên thế giới gây áp lực lớn lên hoạt động sản xuất, đời sống xã hội. Không ít doanh nghiệp rơi vào tình thế rất khó khăn, bị động do đứt gãy chuỗi sản xuất - cung ứng quốc tế và trong nước. Hậu quả là thiếu đơn hàng, tăng chi phí vận hành làm cạn kiệt nguồn lực, thậm chí mất thanh khoản; sự khan hiếm hoặc tăng giá của một số loại nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất...
Trước thực tế trên, Đảng, Nhà nước đã xác định những giải pháp căn cơ, phù hợp để huy động mọi nguồn lực đối phó, khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, hướng tới sự phục hồi kinh tế. Đó là việc hỗ trợ thông qua giãn, gia hạn nộp tiền thuê đất và giảm thuế cho doanh nghiệp. Tiếp theo là tập trung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính phù hợp với tình hình mới; tăng cường ứng dụng tin học, quản lý thông qua môi trường mạng; tạo điều kiện tốt nhất cho sản xuất và xuất khẩu... Đáng chú ý là, hàng loạt hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư được Chính phủ, bộ, ban, ngành, địa phương tổ chức đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, tăng trưởng kinh tế...
Trên thực tế, những gói hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế đã từng bước phát huy tác dụng, tiếp sức cho cộng đồng doanh nghiệp chống chịu, tồn tại qua mùa dịch. Nền kinh tế dần phục hồi, nhất là trên các lĩnh vực quan trọng gồm sản xuất, dịch vụ, du lịch và tiếp tục được cải thiện qua từng năm. Nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả xã hội, cùng sự điều hành kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, từ cuối năm 2022, tình hình diễn ra suôn sẻ hơn, sản xuất và thương mại từng bước sôi động trở lại.
Qua mấy năm chống chọi với "cơn bão" dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam là một trong số ít trường hợp vẫn giữ được đà tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, lạm phát được kiềm chế… Đặc biệt, nhờ phát huy những lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực dồi dào, sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô bên cạnh quan điểm đồng hành cùng nhà đầu tư, Việt Nam vẫn duy trì vị thế là điểm sáng trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Theo các định chế tài chính quốc tế, Việt Nam đã có cách ứng phó linh hoạt, quyết đoán để nhanh chóng “thoát hiểm” trước hàng loạt bất lợi; trong đó điển hình là quyết định sớm mở cửa trở lại và nới lỏng di chuyển, hỗ trợ chuyên gia nước ngoài vào làm việc… Đánh giá chung, Việt Nam đã xác lập được vị thế, phục hồi nhanh, rõ nét trong quá trình ứng phó với dịch Covid-19, cũng như những hạn chế, bất lợi từ bên ngoài.
Chớp cơ hội, bắt kịp xu thế để vượt lên
Gần đây, thế giới tiếp tục đưa ra nhiều nhận định về khả năng tăng trưởng mạnh mẽ, kết hợp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng tốc chuyển đổi từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu của Việt Nam. Trên thực tế, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ đang chuyển dịch mạnh mẽ, bám sát trào lưu chuyển đổi số, tăng trưởng xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh hợp tác, tiếp thu công nghệ hiện đại để phát triển bền vững. Đây là lựa chọn thông minh, phù hợp với xu hướng vận động toàn cầu. Việt Nam đang xác lập vị thế là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới đối với sản phẩm công nghệ cao, cũng như hướng tới thị phần ngày càng lớn hơn.
Trong đó, Việt Nam đang nổi lên như một ứng viên cho các dự án sản xuất chip bán dẫn. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đây là ngành công nghiệp lõi, quan trọng cho sự phát triển các ngành công nghiệp khác như: Điện tử tiêu dùng, năng lượng tái tạo, thiết bị chiếu sáng, thiết bị y tế… Các tổ chức quốc tế cũng xác nhận, ngành bán dẫn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt đến 1 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Từ đó, Việt Nam chủ động bước vào “sân chơi” đầy khó khăn mà hấp dẫn này với mục tiêu sớm tham gia vào chuỗi cung ứng, chiếm thị phần xứng đáng nhất. Nếu khát vọng này trở thành hiện thực cũng đồng nghĩa kinh tế Việt Nam vượt lên một đẳng cấp mới trong bảng xếp hạng toàn cầu, với sức mạnh mềm tiệm cận nhóm “chiếu trên” về trình độ sản xuất. Hiện, Việt Nam đang chủ động lập phương án đáp ứng về hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này. Rõ ràng, đó là tư duy chiến lược, nhạy bén, “đi tắt đón đầu” của Đảng, Nhà nước cùng năng lực trí tuệ và bản lĩnh người Việt Nam trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Về phần mình, Thủ đô Hà Nội lại có mặt với hành trang đầy đặn cùng sức đóng góp rất đáng kể trên con đường phát triển chung thông qua việc đầu tư, hoàn thiện nhiều công trình hạ tầng hiện đại, gồm cầu, đường vành đai, cùng đội ngũ nhân lực có chất lượng… đáp ứng nhu cầu của giới đầu tư công nghệ cao. Dư luận cũng chia sẻ, đồng cảm với những nỗ lực đầy hiệu quả của Hà Nội trong cải cách, phục vụ doanh nghiệp. Nói cách khác, Hà Nội cùng cả nước đang tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” về hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực để hấp dẫn hơn trong mắt giới đầu tư trong nước và quốc tế.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang có cơ hội hiếm hoi để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong các cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với các đối tác Hoa Kỳ vừa qua, phía Hoa Kỳ đều nhấn mạnh, để nắm bắt và hiện thực hóa được cơ hội này cần triển khai nhanh 3 nội dung cốt lõi: Hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù bảo đảm cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực; đồng bộ hạ tầng điện, nước, giao thông, cáp quang, công nghệ thông tin; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
Cùng với đó, Việt Nam chủ động và tăng cường mở rộng quy mô thị trường xuất khẩu, trong đó tập trung tận dụng những ưu đãi, lợi thế do các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại; nhất là về thuế suất nhằm thúc đẩy xuất khẩu, cũng như tạo nền tảng cho cộng đồng doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu. Điều này cũng có tác dụng tương tự đối với doanh nghiệp nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam và từ đó sẽ hấp dẫn dòng vốn quốc tế “chảy” vào nhanh hơn, nhiều hơn. Đến nay, hầu hết đối tác lớn, giàu tiềm năng, như Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ… đều xác định Việt Nam là địa bàn hấp dẫn để xây dựng, triển khai cứ điểm sản xuất trong bối cảnh điều chỉnh lại địa bàn, phân bố nguồn lực đầu tư đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Đà tăng trưởng của nền kinh tế đang thể hiện rõ nét và khá toàn diện. Trong quý I-2024, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 5,66%, kim ngạch xuất khẩu tăng 17% (trong đó xuất siêu hơn 8 tỷ USD giá trị hàng hóa), thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Có thể nói, con tàu kinh tế Việt Nam đầy bản lĩnh đã vượt “bão gió” theo cách riêng và đang gặt hái những kết quả tích cực cùng sự tiến bộ nổi bật, to lớn hiếm có từ trước tới nay.