Chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng 4 tăng 0,07%
Tổng cục Thống kê ngày 29-4 cho biết, giá xăng, dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4-2024 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhìn chung tình tình thị trường chưa có biểu hiện sôi động. Trong 11 nhóm hàng hóa, 8 nhóm hàng tăng giá và 3 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước.
Cụ thể, chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,09% do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng. Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón và giầy dép cũng tăng 0,12% do nhu cầu tiêu dùng tăng.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,21%, tác động làm CPI chung tăng 0,04%, chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện tăng khi thời tiết nắng nóng. Trong khi đó, giá dầu hỏa tăng 1,35% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Giá thuê nhà tăng 0,41% do nhu cầu thuê nhà ở tăng.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%, chủ yếu do sự tăng giá của một số mặt hàng, thiết bị chống nóng. Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,03%, trong đó giá dịch vụ du lịch trọn gói và nhà hàng, khách sạn tăng 0,49% do nhu cầu du lịch trong nước tăng.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,27% so với tháng trước, chủ yếu do tăng giá các mặt hàng đồ dùng cá nhân (tăng 0,6%). Chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92% với nguyên nhân chủ yếu do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh phát sinh…
Nhóm giao thông tăng 1,95% làm CPI chung tăng 0,19%, chủ yếu do giá xăng, dầu diesel tăng.
Ngược lại, chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,17%, do các doanh nghiệp khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động mẫu mã cũ.
Chỉ số giá nhóm giáo dục giảm 2,93%, góp phần giảm CPI chung 0,18%, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 3,32%. Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,04%.
So với tháng trước, chỉ số giá vàng tăng 6,95% và chỉ số giá USD tăng 1,2%.