Huyện Ứng Hòa xử lý người điều khiển xe tự chế: Giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh
Những ngày qua, Báo Hànộimới nhận được thông tin một số người dân huyện Ứng Hòa phản ánh việc các cơ quan chức năng xử lý người điều khiển các loại xe tự chế, xe ba, bốn bánh, xe công nông..., đã gây khó cho người dân, đặc biệt với một số làng nghề.
Thực tế, việc này đã từng được thực hiện trước đây nhiều năm nhưng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn...
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Dù lực lượng chức năng trên toàn thành phố Hà Nội đang ra quân xử lý người điều khiển xe công nông, xe tự chế, xe ba, bốn bánh, nhưng ngay khu vực giáp ranh hai huyện Thanh Oai và Ứng Hòa, trên tuyến đường 21B đông đúc vẫn có nhiều xe công nông, xe tự chế hoạt động... Các xe chất đầy hàng hóa, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện, tròng trành chực đổ mỗi khi vào đoạn đường cua hoặc gặp “ổ gà”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Là chủ một cơ sở sản xuất tăm hương và sở hữu đến 4 xe công nông, Trưởng thôn Đạo Tú (xã Quảng Phú Cầu) Nguyễn Hữu Hà cho biết, xe công nông là phương tiện cơ động, phù hợp với đặc thù đường làng nhỏ hẹp, hỗ trợ giải tỏa hàng trăm tấn hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất cho làng nghề mỗi ngày. Vì thế, người dân mong muốn, xe tự chế được tiếp tục hoạt động ở đường làng, ngõ xóm. Việc cấm xe tự chế cần có lộ trình, khi nào có phương tiện khác thay thế thì mới nên cấm triệt để...
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân làng nghề, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Trang Văn Viễn thông tin, theo số liệu điều tra cơ bản vào tháng 3-2024, xã Quảng Phú Cầu có 70 xe công nông, 35 xe ba bánh, 22 xe 4 bánh và 2 xe tự lắp ráp. Do hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã nhỏ hẹp, phù hợp với vận chuyển tăm hương, vầu, nứa, phế liệu, lại vừa tiết kiệm chi phí nên người dân vẫn coi đây là phương tiện thích hợp nhất với làng nghề. Việc ngăn chặn người điều khiển xe công nông, xe tự chế gặp nhiều khó khăn.
Triển khai Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 9-4-2024 của UBND huyện Ứng Hòa về “Thực hiện Kế hoạch số 201/KH-TU ngày 15-12-2023 của Thành ủy thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TƯ ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới”, UBND xã đã vận động, tuyên truyền các hộ ký cam kết không sử dụng xe công nông, xe tự chế... Tuy nhiên, vì lo ngại không có phương tiện mưu sinh nên vẫn có người không ký cam kết.
Tương tự, người dân xã Đồng Tiến cũng mong muốn, trong khi chưa có loại phương tiện thay thế phù hợp, các xe tự chế được hoạt động trong phạm vi làng, xã để chuyên chở vật liệu xây dựng và lúa, gạo, không hoạt động trên tuyến đường liên xã, tỉnh lộ...
Thực hiện đồng bộ giải pháp
Trước năm 2010, huyện Ứng Hòa cũng như nhiều địa phương khác của Hà Nội đã từng ra quân xử lý người điều khiển xe tự chế, nhưng không duy trì được lâu và chưa đạt kết quả như kế hoạch đề ra. Rút kinh nghiệm, lần này, UBND huyện Ứng Hòa đã giao nhiệm vụ cho từng phòng, ban, các xã, thị trấn và gắn trách nhiệm cụ thể.
Trung tá Bùi Thanh Hiếu, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện Ứng Hòa thông tin, ngày 14-3-2024, Công an thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 51/KH-CAHN-TM “Tổng điều tra cơ bản, tuyên truyền, vận động và kiểm tra xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến người điều khiển, chủ phương tiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh xe ba, bốn bánh tự sản xuất, lắp ráp, xe mô tô kéo theo xe khác, vật khác trên địa bàn thành phố”. Thực hiện kế hoạch trên, Công an huyện Ứng Hòa đã ban hành kế hoạch triển khai với 3 giai đoạn, gồm: Tổ chức điều tra cơ bản số liệu xe; tổ chức ký cam kết, tuyên truyền, vận động người dân không vi phạm; xử lý vi phạm.
Trong giai đoạn 1 và 2, Công an huyện đã phối hợp triển khai tới từng xã, thị trấn, nên số người sử dụng phương tiện tự chế, xe công nông, xe ba, bốn bánh bước đầu đã giảm. Từ ngày ra quân xử lý vi phạm 16-4 đến ngày 22-4, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện đã xử lý 3 người điều khiển xe công nông, xe ba bánh, trong đó có 2 người ở xã Quảng Phú Cầu.
Để ngăn chặn xe tự chế hoạt động, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu Trang Văn Viễn đề xuất, cơ quan chức năng nghiên cứu sản xuất những loại xe phù hợp với địa hình khu vực nông thôn và thích hợp việc vận chuyển vật liệu, hàng hóa, sản phẩm khu vực làng nghề. Đồng thời, cơ quan chức năng cần có cơ chế hỗ trợ vốn giúp người dân chuyển đổi nghề, chuyển đổi phương tiện bảo đảm an toàn...
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Trung tá Bùi Thanh Hiếu nhấn mạnh, bên cạnh việc kiên trì vận động, giải thích, thuyết phục người dân, cần thực hiện đồng bộ giải pháp, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn...