Góc nhìn

Đừng chỉ là khẩu hiệu!

Đình Hiệp 28/04/2024 - 06:18

Khi bước vào các công trường, nhà xưởng sản xuất, khu vực đang thi công… ai cũng dễ nhận thấy biển báo với khẩu hiệu “An toàn là trên hết” đặt ở những vị trí dễ nhìn nhất.

Đây được xem là nguyên tắc vàng trong lao động. Nói cách khác, an toàn, vệ sinh lao động là trách nhiệm của bên sử dụng lao động phải thực hiện triệt để nhằm tránh xảy ra những trường hợp nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Khu vực xảy ra tai nạn lao động đặc biệt nghiêm trọng tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái ngày 22-4.

Thế nhưng, trên thực tế, thời gian qua, vẫn xảy ra nhiều vụ mất an toàn lao động nghiêm trọng. Mới đây nhất, vụ việc 7 công nhân thiệt mạng, 3 người bị thương trong vụ tai nạn lao động nghiêm trọng tại một nhà máy xi măng ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (tỉnh Yên Bái) ngày 22-4 vừa qua, ngay gần Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024 đã gióng hồi chuông cảnh báo về việc lơ là công tác này ở một số nơi.

Một lần nữa, công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động lại trở thành chủ đề được tập trung bàn thảo. Bởi theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2023 trên toàn quốc đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động làm 7.553 người bị nạn, trong đó có 1.720 người bị thương nặng; 662 vụ tai nạn chết người, làm 699 người chết. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 16.357 tỷ đồng và hơn 149.770 ngày công, chỉ tính riêng trong khu vực có quan hệ lao động. Tình hình tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động cũng có dấu hiệu gia tăng, về số vụ, số người bị nạn.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất an toàn, vệ sinh lao động là do người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro trong bảo đảm an toàn lao động. Nhiều người lao động thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn chưa tốt. Trong khi đó, công tác thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động cho khu vực không có quan hệ lao động đang bị hạn chế về nguồn lực. Chính quyền cơ sở ở một số nơi chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác này.

Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 vừa được phát động sáng 26-4 với chủ đề “Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng”. Đây là dịp để nhắc nhở các cấp, ngành, địa phương và người lao động coi trọng hơn nữa công tác này để người lao động được trở về nhà an toàn sau mỗi ngày làm việc.

Để Tháng hành động đi vào cuộc sống, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động như cơ khí, khai khoáng, xây dựng…

Về lâu dài, để có môi trường làm việc an toàn đòi hỏi sự chung tay của cả cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, ý thức tuân thủ, việc tự giác thực hiện các quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động là quan trọng nhất. Ngoài trang bị đầy đủ bảo hộ, trang thiết bị an toàn lao động, người sử dụng lao động cần thường xuyên tập huấn, nâng cao kỹ năng sử dụng các thiết bị lao động an toàn cho người lao động.

An toàn, vệ sinh lao động là hạnh phúc của mọi người, mọi nhà và cả xã hội. Để điều này không chỉ là khẩu hiệu, bản thân mỗi người lao động cần hiểu biết hơn vai trò của mình trong việc loại trừ các nguy cơ không an toàn. Khi phát hiện ra nguy cơ mất an toàn phải báo cáo ngay với chủ sử dụng lao động để kịp thời xử lý.