Khủng hoảng y tế tác động mạnh đến các thành phố nhỏ ở Hàn Quốc
Cơ sở y tế tại các thành phố nhỏ ở Hàn Quốc đang phải đối phó với tình trạng thiếu bác sĩ nghiêm trọng, trong bối cảnh làn sóng đình công của các bác sĩ thực tập phản đối kế hoạch của chính phủ tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y đã bước sang tháng thứ 3.
Thủ đô Seoul là nơi tập trung nhiều bệnh viện hàng đầu cả nước, nhưng các thành phố nhỏ hơn cũng đang thiếu bác sĩ nghiêm trọng. Theo đánh giá của giới chuyên gia, thực trạng này sẽ trầm trọng hơn khi Hàn Quốc là một trong số quốc gia có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới và tỷ lệ dân số già hóa nhanh nhất thế giới.
Hiện ở Hàn Quốc, cứ 1.000 người dân có 2,6 bác sĩ, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 3,7 bác sĩ trên mỗi 1.000 dân của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).
Làn sóng đình công của các bác sĩ nội trú và bác sĩ thực tập bùng phát tại Hàn Quốc vào cuối tháng 2 vừa qua. Những bác sĩ này cho rằng chính phủ cần cải thiện mức lương và điều kiện làm cho các bác sĩ trước khi tăng chỉ tiêu tuyển sinh.
Giám đốc Trung tâm Y khoa Incheon Cho Seung-yeon cho rằng, chính phủ cần điều chỉnh một số chính sách nhằm bảo đảm quyền lợi của những bác sĩ mới vào nghề làm việc tại các khu vực không có đầy đủ thiết bị y tế và bảo đảm sự phân bổ công bằng bác sĩ làm việc tại các địa phương trên cả nước.
Theo dữ liệu chính thức, vào năm 2022, có tới 4,82 bác sĩ thăm khám trên mỗi 1.000 dân ở các khu vực ngoại ô Seoul, trong khi tỷ lệ này tại thành phố Incheon là 2,65 bác sĩ trên mỗi 1.000 dân. Trong khi đó, Incheon là thành phố có tỷ lệ tử vong có thể tránh được cao nhất Hàn Quốc.