Hơn 4.000 người tham dự Lễ hội Tràng An - “Về miền di sản Tràng An 2024”
Sáng 26-4 (18-3 âm lịch), tại Khu du lịch sinh thái Tràng An (thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), khoảng 4.000 đại biểu, du khách, nghệ nhân, diễn viên và người dân đã tham dự Lễ hội Tràng An với chủ đề “Về miền di sản Tràng An 2024”.
Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Lễ hội Tràng An còn được biết đến là Lễ mở cửa rừng (phát lát), là nét văn hóa đặc sắc, gắn liền với các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Lễ phát lát thường được tổ chức vào ngày 18-3 âm lịch hằng năm, với ý nghĩa mở cửa rừng để cầu cho núi rừng xanh tốt, tạo nguồn sinh dưỡng cho con người sau một mùa đông phải đóng cửa rừng để bảo vệ các loài động, thực vật.
Lễ hội phát lát là dịp để con người kết nối với thiên nhiên, qua đó truyền tải thông điệp về ý thức bảo vệ môi trường, tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng và hệ sinh thái. Bên cạnh đó, lễ hội còn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; đồng thời cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, dịch bệnh tiêu tan, mùa màng tốt tươi, người người hạnh phúc.
Chương trình Lễ hội Tràng An năm nay diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc như: Đoàn rước rồng, trống Kim Sơn, đội lễ tế… với sự tham gia của 2.000 người, đội cờ gồm 1.000 người và 150 xe điện.
Tham gia lễ hội còn có chương trình biểu diễn nghệ thuật của 200 nghệ nhân, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên của các tỉnh, thành với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, như: Quan họ Bắc Ninh; dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh; đàn tính - thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; đờn ca tài tử Nam Bộ; âm nhạc thổ dân người Việt cổ, cồng chiêng Tây Nguyên; trò Xuân Phả (Thọ Xuân, Thanh Hóa); hát chèo, hát xẩm Ninh Bình…
Tại bến thuyền Tràng An diễn ra chương trình biểu diễn của đội cồng chiêng Nho Quan, đội trống, đàn tranh, đàn nhị.
Dọc theo sông Sào Khê là Lễ rước nước thu hút hàng nghìn người trên hàng trăm con thuyền, tái hiện khung cảnh các vị tiền nhân đã “lấy núi là thành, sông là đường, hang động là cung điện”.