Bước đầu của cuộc chiến?
Chỉ hai ngày sau khi Hạ viện Mỹ thông qua đạo luật buộc hãng ByteDance của Trung Quốc - chủ sở hữu ứng dụng TikTok phải chuyển giao quyền sở hữu TikTok cho công ty Mỹ trong thời hạn 90 ngày, nếu không sẽ bị cấm trên thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra tối hậu thư cho TikTok.
EU yêu cầu, TikTok trong vòng 48 giờ phải gỡ bỏ phần ứng dụng Lite trên TikTok. Ứng dụng kèm này khích lệ người sử dụng TikTok tham gia giải câu đố, xem video clips và bình luận tích cực để đổi lấy phần thưởng. EU lập luận rằng, ứng dụng Lite khiến trẻ em "nghiện" TikTok để lấy thưởng và như thế rất nguy hại cho sức khỏe cũng như tâm lý của trẻ em.
Về phần mình, hãng ByteDance tuyên bố khiếu nại ở Mỹ và sẽ đi đến tận cùng con đường pháp lý để TikTok trụ lại được tại thị trường Mỹ. Tuy nhiên, tại châu Âu, hãng vội vã đáp ứng những điều kiện của EU. Đây là lần thứ hai, TikTok bị EU đưa vào tầm ngắm. Lần đầu là vào thời điểm trước khi EU thông qua đạo luật về kiểm soát các nền tảng số và mạng xã hội, còn lần thứ hai thì dựa trên chính đạo luật này.
Mỹ và EU vẫn lo ngại về khả năng hãng ByteDance thông qua TikTok thu thập và cung cấp dữ liệu cá nhân về người sử dụng TikTok ở Mỹ, châu Âu. Tuy nhiên, theo giới quan sát, Mỹ và EU nhằm vào TikTok nhưng thực chất là đối phó với Trung Quốc.
Ở Mỹ hiện có khoảng 170 triệu người sử dụng TikTok, còn ở EU thì hiện TikTok mới chỉ được sử dụng ở Tây Ban Nha và Pháp nên không có quá nhiều người sử dụng. Mỹ giáng đòn trực diện vào TikTok và đặt TikTok trước sự lựa chọn giữa tồn tại hay không tồn tại trên thị trường Mỹ.
EU cho tới nay chưa đi xa đến như vậy và chưa hành động quyết liệt như Mỹ. Lý do là EU không có được thế và lực như Mỹ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc và TikTok ở châu Âu chưa được sử dụng phổ biến như ở Mỹ. EU phải tìm kiếm thông tin để có lập luận thích hợp và phải đi con đường xây dựng nền tảng pháp lý trước, sau đó dựa trên đấy để tấn công TikTok.
Bằng cách này, EU kỳ vọng rằng có thể tranh thủ được sự đồng tình của đông đảo dân chúng trong EU và vô hiệu hóa được ngay từ đầu mọi sự phản đối cũng như trả đũa của Trung Quốc. Nhưng đồng thời qua đó cũng còn có thể thấy những gì EU đã và đang làm với TikTok chỉ là sự khởi đầu của quá trình với kết cục sẽ giống như hiện tại ở Mỹ. Tức là nếu muốn tồn tại ở thị trường EU thì ByteDance cũng sẽ phải bán TikTok cho công ty nào đấy của EU.
Chuyện số phận của TikTok ở thị trường Mỹ và EU chỉ là phần nhỏ nhô lên khỏi mặt nước của tảng băng đá ngầm lớn trong mối quan hệ của Mỹ và EU với Trung Quốc. Cả hai đều dùng việc quyết định số phận của TikTok làm con chủ bài mới trong quan hệ của họ với Trung Quốc. Cạnh tranh trên thị trường cũng là cạnh tranh về ưu thế nổi trội trên lĩnh vực khoa học tiên tiến, kỹ thuật hiện đại và công nghệ cao.
TikTok chỉ là trường hợp đơn lẻ nhưng lại đủ để cho thấy bất kể chuyện lớn nhỏ trong mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa EU với Trung Quốc đều luôn bất ngờ trở thành chuyện bùng nổ tai hại và rất nhạy cảm về đối nội cũng như đối ngoại giữa hai phía.
Khi trước, Ấn Độ vì lý do chính trị đối ngoại đã cấm TikTok - với hơn 200 triệu người sử dụng trên thị trường Ấn Độ. EU sẽ nhìn và lựa theo Mỹ để đi bước tiếp trong việc loại TikTok ra khỏi thị trường EU. Ai thắng hay thua trong chuyện này đều tạo tiền lệ cho thời kỳ tới.