Cư-rơ-gư-xtan -Một lựa chọn khó khăn

Thế giới - Ngày đăng : 07:33, 30/07/2005

Chỉ ít ngày sau khi Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)  ra tuyên bố yêu cầu Mỹ đặt một thời gian biểu cho việc rút quân khỏi U-dơ-bê-ki-xtan và Cư-rơ-gư-xtan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Đ.Răm-xphen đã công du Trung Á. Chuyến thăm 3 ngày lần này của Răm-xphen diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều câu hỏi về ý đồ lâu dài của Mỹ tại khu vực này.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald H. Rumsfeld.

Chỉ ít ngày sau khi Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO)ra tuyên bố yêu cầu Mỹ đặt một thời gian biểu cho việc rút quân khỏi U-dơ-bê-ki-xtan và Cư-rơ-gư-xtan, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Đ.Răm-xphen đã công du Trung Á. Chuyến thăm 3 ngày lần này của Răm-xphen diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều câu hỏi về ý đồ lâu dài của Mỹ tại khu vực này.

Đây là chuyến công du thứ hai của Răm-xphen trong vòng 4 tháng tới Cư-rơ-gư-xtan, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây với 5 triệu dânvà tại đây có 1 căn cứ của Nga ở O-sơ. Mỹ cũng có khoảng 1200 binh sĩ đóng tại sân bay quốc tế Ma-na, gần thủ đô Bi-skết để hỗ trợ tiếp nhận hàng hóa không vận rồi từ đó chuyển tiếp cho các lực lượng Mỹ đóng ở Áp-ga-ni-xtan.

Những căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ với Cư-rơ-gư-xtan và những quốc gia Trung á khác một phần bắt nguồn từ sự bùng nổ bạo lực hồi giữa tháng 5 ở thành phố A-đi-gian của U-dơ-bê-ki-xtan. Sự hậu thuẫn của Mỹ đối với những “cuộc cách mạng màu sắc” tại khu vực này đã đẩy các nhà nước ở khu vực Trung Á có xu hướng thân với Nga. Sau khi đã dập tắt được cuộc bạo động tại A-đi-gian, Tổng thống U-dơ-bê-ki-xtan Ca-ri-mốp đã đưa ra hạn chế mới đối với việc Mỹ sử dụng căn cứ quân sự Ca-si Kha-na-bác của họ. Tại Cư-rơ-gư-xtan, sau khi được Nga giúp dàn xếp giữa các phe phái miền Nam và miền Bắc và tái phục hồi sự ổn định chính trị, Tổng thống mới đắc cử của Cư-rơ-gư-xtan, Ba-ki-ép, cũng nhiều lần yêu cầu Mỹ ấn định thời hạn đóng quân của 1200 lính Mỹ ở căn cứ Ma-na. Đó cũng là đòi hỏi của Hội nghị thượng đỉnh SCO gần đây mà Cư-rơ-gư-xtan là thành viên. Tuy nhiên, nhân chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới nước này, ngày 26-7, chính quyền Cư-rơ-gư-xtan đã đồng ý cho Mỹ duy trì căn cứ quân sự trên lãnh thổ. Đây có thể coi là một thắng lợi ngoại giao của Mỹ trước Trung Quốc và Nga.

Theo đó, căn cứ quân sự Mỹ Ma-na trên lãnh thổ Cư-rơ-gư-xtan sẽ được duy trì cho đến khi tình hình tại Áp-ga-ni-xtan cho thấy là không cần thiết nữa. Như vậy, sau một thời gian chần chừ tỏ thái độ thân nga, Cư-rơ-gư-xtan đã ngả hẳn về phía Mỹ. Điều này phần nào đã làm suy yếu ảnh hưởng của SCO, một trung tâm quyền lực toàn cầu mới nổi lên, thách thức uy quyền của Mỹ. Tuy nhiên, xuất phát từ tình hình thực tế và lợi ích kinh tế của Cư-rơ-gư-xtan, có thể thấy chính quyền nước này khó có thể có lựa chọn khác.

Trong số 5 quốc gia ở Trung Á, Cư-rơ-gư-xtan là nước nghèo nhất, diện tích nhỏ, khoảng 200.000km2, dân số ít, kinh tế không phát triển, GDP chỉ đạt 2 tỷ USD. Nước này là thành viên SNG, nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga. Trong cuộc “Cách mạng hoa Tuy-líp” hồi tháng 3 vừaqua, phe đối lập nước này đã vượt qua được những bất đồng và hợp thành một liên minh nhằm lật đổ Tổng thống A. A-cai-ép. Mới đắc cử ngày 10-7 vừa qua, Tổng thống Ba-ki-ép lúc này đang rất cần trợ giúp về kinh tế và tài chính của Mỹ để thực hiện lời hứa đưa ra lúc tranh cử. Trong tình hìnhđó, 100 triệu USD hằng năm mà Mỹ chi cho Cư-rơ-gư-xtan để sử dụng căn cứ Ma-na là một nhân tố có sức thuyết phục.

Tuy nhiên, có thể thấy rằng, dù ngả theo Mỹ, Cư-rơ-gư-xtan vẫn phải xây dựng mối quan hệ láng giềng thân thiện với cả hai láng giềng khổng lồ là Nga và Trung Quốc thì mới có thể tạo được môi trường thuận lợi để phát triển. Đó chính là cái khó của Cư-rơ-gư-xtan vậy.

HNM

ANHTHU