Thường Tín cần thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở để không có khiếu kiện kéo dài
Chiều 24-4, Đoàn kiểm tra số 3 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở Thành ủy Hà Nội kiểm tra tại huyện Thường Tín.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chỉ đạo thành phố làm Trưởng đoàn.
Thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở
Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thường Tín Lý Văn Dũng cho biết, thời gian qua, Huyện ủy, Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Nhờ đó, nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, người lao động và các tầng lớp nhân dân về thực hiện dân chủ đã có chuyển biến, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Cùng với đó, huyện đã quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực công tác; gắn việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Huyện đã thực hiện giải phóng mặt bằng với 103 dự án với tổng diện tích 171,89ha, liên quan đến hơn 3.300 hộ dân, giải ngân 1.145,2 tỷ đồng.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy tổ chức tiếp công dân định kỳ 1 lần/tháng theo đúng quy định của Trung ương. Công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đã được các cơ quan quan tâm, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật, đảm bảo công khai, dân chủ, không để xảy ra các vụ việc phức tạp, khiếu kiện tập thể, kéo dài. Các đơn thư được tiếp nhận và chuyển đến các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị cơ sở chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nên triển khai chưa quyết liệt, hiệu quả thấp, có nơi còn mang tính hình thức. Một số cơ sở chưa thực hiện tốt Quy chế dân chủ trong quản lý đất đai, thu, chi tài chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Vẫn còn cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm khi giải quyết các vụ việc liên quan đến lợi ích của người dân.
Giải quyết điểm nóng ngay từ cơ sở
Tại buổi kiểm tra, các thành viên Đoàn kiểm tra và lãnh đạo huyện đã trao đổi, làm rõ những nội dung liên quan đến việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn huyện Thường Tín. Đặc biệt là những kinh nghiệm, cách làm hay trong việc công khai dân chủ trong giải phóng mặt bằng, được các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở quan tâm.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà huyện Thường Tín đạt được thời gian qua trong triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, cấp ủy các đơn vị, địa phương được tăng cường, nhờ đó việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở mang tính thực chất, phát huy quyền làm chủ của người dân.
Thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị, sau buổi kiểm tra này, cấp ủy các cấp của huyện có kế hoạch cụ thể để khắc phục, trong đó chú trọng cả những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng Quy chế dân chủ và thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
“Đối với các vấn đề phức tạp như giải phóng mặt bằng, sắp xếp địa giới hành chính… cấp ủy, chính quyền của huyện phải làm tốt công tác nắm bắt tâm tư của người dân. Trong đó, cần thực hiện tốt các nội dung trong Quy chế dân chủ ở cơ sở để tạo sự đồng thuận cao của người dân khi triển khai thực hiện”, đồng chí Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.
Đối với vấn đề tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng chí Lê Hồng Sơn đề nghị huyện chú trọng giải quyết ngay từ cơ sở, không để phát sinh các điểm nóng. Trong đó, tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp, bức xúc phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở.