Đổi mới trong tuyển sinh đào tạo nghề: Tăng gắn kết học với hành
Công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều đổi mới về tuyển sinh, hướng nghiệp... Trong đó, các đơn vị đã chủ động cung cấp việc làm cho học sinh, sinh viên, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, bao gồm hình thức ký hợp đồng đào tạo kèm hợp đồng việc làm ngay từ lúc học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường…
Cho học sinh trải nghiệm thực tế
Là học sinh chuyên ngành làm bánh của Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ du lịch và thời trang, Phan Thị Bích Hiền đã có được những trải nghiệm đáng nhớ khi được thực hành làm bánh, giới thiệu sản phẩm ngay tại phiên Giao dịch, tư vấn việc làm thị xã Sơn Tây gần cơ sở em đang học. Phan Thị Bích Hiền chia sẻ: “Hiện em đang học song bằng, học văn hóa 3 năm và học nghề 2 năm. Không chỉ được thực hành nghề, chúng em còn được tham gia nhiều hoạt động tương tác rất hữu ích, như rèn kỹ năng tìm việc, được tư vấn về công việc trong tương lai”.
Còn Giang Huyền Trang - nữ sinh lớp 11 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên thị xã Sơn Tây không giấu nổi sự phấn khởi sau khi được thực hành vận hành máy xúc dưới sự hướng dẫn của giảng viên Trường Cao đẳng Giao thông vận tải trung ương 1. Trang cho biết: “Trải nghiệm này cho em thấy có thể lựa chọn học rất nhiều nghề mà khi mới nghe tưởng như chỉ dành cho nam giới. Cơ hội việc làm đang mở ra cho người trẻ có kỹ năng thực hành máy móc công nghệ tốt”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về hoạt động hướng nghiệp trải nghiệm, Trưởng khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Thị Hồng cho biết: “Mô hình “Một ngày làm sinh viên” của trường ngày càng thu hút học sinh trung học phổ thông, trung học cơ sở tham gia, tạo điều kiện để các em được tiếp cận với nhiều trang thiết bị hiện đại, cũng như nền nếp dạy học văn hóa gắn liền với công tác thực hành nghề nghiệp đang được áp dụng tại trường. Việc này góp phần thực hiện hiệu quả công tác phân luồng học sinh, giúp các em chọn trường, chọn nghề sát nhu cầu thực tiễn hơn”.
Còn theo Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Trường Cao đẳng Cộng đồng Hà Nội Nguyễn Đức Minh, trường cũng đang tăng cường tiếp cận trực tiếp đối tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông bằng việc tổ chức hoạt động tham quan trường cho học sinh trải nghiệm nghề nghiệp, giúp người học chủ động định hướng và lựa chọn học nghề, lựa chọn nghề để học; tổ chức tham quan trải nghiệm nghề nghiệp cho người học tại các doanh nghiệp liên kết đào tạo, cung cấp việc làm cho học sinh, sinh viên của trường.
Đào tạo kiến thức gắn kết ứng dụng thực hành
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố có 313 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Nhiệm vụ là đào tạo cho 235.000 lượt người trong năm 2024, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74,2%. Để hiện thực hóa mục tiêu này, giải pháp tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được chú trọng...
Chia sẻ thêm về những điểm mới trong kỳ tuyển sinh năm 2024, Trưởng khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: “Với việc gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp - học sinh”, các bên đều đạt được mục tiêu kết hợp hiệu quả giữa học tập và ứng dụng thực hành ngay từ khi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Tại Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội, có nhiều doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả đào tạo của trường nên sẵn sàng cho trường mượn dây chuyền sản xuất, cập nhật hằng năm để bảo đảm tính hiện đại đối với trang thiết bị đào tạo gắn liền thực tiễn.
Minh chứng cho việc này là tháng 3-2024, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH XtechFuture để đơn vị này triển khai đào tạo kỹ thuật viên tự động hóa (với đối tượng là học sinh, sinh viên kết thúc năm học thứ nhất) các nghề: Điện, điện tử, cơ điện tử, tự động hóa, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho các doanh nghiệp có vốn FDI và các doanh nghiệp lớn tại khu vực phía Bắc. Phía công ty sẽ hỗ trợ trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập, hỗ trợ kinh phí đào tạo cho nhà trường. Kết thúc khóa đào tạo, học sinh xuất sắc được thực tập và làm việc trực tiếp tại các công ty, doanh nghiệp có quy mô lớn như: Apple, Compal, Justech, Luxshare...
Có thể nói, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng có nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đào tạo, hỗ trợ học sinh thực hành kỹ năng nghề nghiệp, sớm thích ứng công việc; chú trọng rèn nếp kỷ luật, xây dựng môi trường học tập thân thiện, tương tác. Như chia sẻ của Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Cơ khí 1 Hà Nội Phạm Quang Vinh: “Trường chúng tôi thậm chí còn triển khai tuyển sinh qua chính học sinh đang theo học tại trường bằng hiệu quả đào tạo thực tế; đồng thời, mở thêm ngành đào tạo mới để thêm lựa chọn, tăng tính hấp dẫn và mở rộng địa bàn tuyển sinh”.