Tài chính

Tín dụng cho hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023

Bạch Thanh 23/04/2024 - 14:23

Ngày 23-4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể”.

Trong những năm qua, tuy phát triển cả số lượng và chất lượng, song kinh tế tập thể, hợp tác xã vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Để hỗ trợ hợp tác xã phát triển, ngân hàng đã triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi theo các Nghị định 55/2015/NĐ-CP, 116/2018/NĐ-CP. Bên cạnh đó, Ngân hàng chính sách xã hội triển khai nhiều chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, trong đó, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được vay ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

lmhx.jpg
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu trụ sở Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: Huyền Trang

Tuy nhiên, đến cuối tháng 2-2024, tín dụng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đạt 6.024 tỷ đồng, giảm 1,69% so với cuối năm 2023 với khoảng 1.200 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã vay.

Theo đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), dù ngân hàng đã có nhiều phương án cấp tín dụng nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong việc cho vay đối với hợp tác xã vì vốn đối ứng của hợp tác xã chưa đáp ứng yêu cầu.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề: Đánh giá một cách toàn diện về thực trạng tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân trong tiếp cận vốn tín dụng của khu vực kinh tế tập thể; đề xuất các giải pháp khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể...

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết, một trong những khó khăn của hợp tác xã hiện nay chính là vấn đề vốn. Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, chỉ có 10% hợp tác xã được vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Cùng với đó, khảo sát hơn 300 hợp tác xã, 80% phải vay ở thị trường phi chính sách và tín dụng đen với lãi suất cao, thời gian ngắn, chủ yếu phục vụ đáo nợ, chờ vốn tín dụng. Các tổ hợp tác rất khó tiếp cận các nguồn vốn. Hiện, các mô hình này chỉ vay được từ nguồn hỗ trợ từ Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, song những nguồn này chưa đủ giúp các tổ hợp tác mở rộng, phát triển.

Để thúc đẩy tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, thời gian tới, Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản, phù hợp đối tượng khách hàng là các hợp tác xã bảo đảm đúng quy định của pháp luật; quản lý chặt chẽ chất lượng tín dụng; triển khai sản phẩm tín dụng phù hợp đặc thù hợp tác xã, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay vốn...