Sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Nhiều khó khăn cần tháo gỡ
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vẫn còn khó khăn, cần có những giải pháp tháo gỡ…
Không ít điểm nghẽn
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Huỳnh Tấn Đạt, cả nước hiện có 99 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện sản xuất; trong đó có 85 cơ sở có sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Việt Nam cũng đã sản xuất được gần 30 dạng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thành phẩm khác nhau. Hiện tại, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiếm 19% trong danh mục các loại thuốc bảo vệ thực vật và lượng sử dụng ngày càng tăng theo thời gian.
Tuy nhiên, việc sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học vẫn còn nhiều vướng mắc như: Các chính sách chưa thực sự tạo động lực và hấp dẫn để các doanh nghiệp chuyển hướng nghiên cứu, phát triển thuốc sinh học; hệ thống trang thiết bị, phòng thử nghiệm nghiên cứu, kiểm tra chất lượng về thuốc bảo vệ thực vật sinh học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và các nghiên cứu về thuốc bảo vệ thực vật sinh học mới tập trung chủ yếu ở phòng thí nghiệm…
Ở góc độ doanh nghiệp, theo Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An) Võ Quan Huy, thủ tục đăng ký sản xuất, thử nghiệm thuốc bảo vệ thực vật sinh học còn rườm rà, chi phí cao.
Không những vậy, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng còn khó khăn do người dân vẫn quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, giá thành rẻ, hiệu quả tức thì. Trong khi đó, chi phí thuốc bảo vệ thực vật sinh học cao, thời gian bảo quản ngắn, hiệu quả chậm...
Ông Ngô Văn Hùng ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết, gia đình ông hiện trồng 3 sào rau màu các loại. Để bảo vệ sức khỏe, trong quá trình canh tác, gia đình ông đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, song hiệu quả phòng trừ sâu bệnh của thuốc tương đối chậm, điều kiện bảo quản cũng khắt khe hơn so với thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học. Hơn nữa, các mặt hàng nông sản an toàn phải cạnh tranh với nông sản truyền thống bán trên thị trường về giá cả, nên chưa khuyến khích được nông dân thay đổi nhận thức trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Cần một chính sách đủ mạnh
Việc chuyển đổi sử dụng từ thuốc bảo vệ thực vật hóa học sang các loại thuốc trừ sâu bệnh sinh học là một trong những giải pháp của nông nghiệp xanh, an toàn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng của thị trường xuất khẩu.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Chủ tịch Hội Sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho rằng, Bộ NN&PTNT cần rà soát lại các thủ tục đăng ký, yêu cầu về chỉ tiêu, chất lượng phù hợp với thực tế tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Cùng với đó, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại trên quy mô lớn, giảm lãi suất vay vốn đầu tư trang thiết bị nhà xưởng để hạ giá thành sản phẩm.
Để nhân rộng các mô hình sử dụng thuốc vệ thực vật sinh học ở các địa phương, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, Sở đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các địa phương của thành phố mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ về kỹ thuật canh tác cho nông dân; tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học an toàn, hiệu quả. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương triển khai thí điểm các mô hình sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học để nhân rộng diện tích sản xuất nông sản an toàn; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định về sản xuất, kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trên thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học; đơn giản hóa thủ tục hành chính. Bộ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, khảo nghiệm và đưa thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; hỗ trợ cho việc nhập khẩu nghiên cứu, thử nghiệm các thuốc bảo vệ thực vật sinh học vi sinh, thảo mộc để phục vụ cho quá trình đăng ký, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
“Hướng tới nền nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, chúng ta cần tận dụng tối đa các nguyên liệu sẵn có để sản xuất các thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong nước; tăng cường hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tại các địa phương, từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất”, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.