Trẻ vị thành niên phạm tội:Ngăn ngừa cách nào?
Tình hình vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố Hà Nội có diễn biến phức tạp.
Đáng chú ý, thời gian gần đây nổi lên tình trạng thanh, thiếu niên tụ tập thành nhóm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đâu là nguyên nhân khiến trẻ có hành vi này và cách nào ngăn ngừa trẻ vị thành niên phạm tội?
Phát hiện 858 vụ vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên
Ban Pháp chế, HĐND thành phố Hà Nội vừa tổ chức Đợt khảo sát về tình hình vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên trên địa bàn thành phố, từ năm 2018 đến tháng 12-2023.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, từ ngày 1-1-2018 đến hết 31-12-2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội phát hiện 858 vụ vi phạm pháp luật của trẻ vị thành niên, với hơn 3.150 đối tượng, trong đó có 170 vụ gây rối trật tự cộng cộng, với hơn 1.500 đối tượng.
Công an thành phố Hà Nội nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật ở trẻ vị thành niên, trong đó có nguyên nhân từ gia đình. Thực tế hiện nay, vấn đề giáo dục con cái trong một số gia đình chưa được chú trọng, còn phó mặc cho nhà trường. Nhiều trường hợp gia đình do kinh tế khó khăn và có quan niệm con em chỉ cần học biết chữ, sau đó bỏ học đi làm kinh tế. Vì vậy, hầu hết các em học sinh hư hỏng đều rơi vào gia đình hoàn cảnh khó khăn, éo le như bố mẹ ly thân, ly hôn; một số gia đình mải lo kiếm tiền, nuông chiều quá mức tạo cho trẻ lối sống tự do, buông thả...
Thượng tá Nguyễn Bình Ngọc, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm cho biết, trong 6 năm qua, trên địa bàn quận có 47 người chưa thành niên phạm tội, chủ yếu là gây rối trật tự công cộng. Còn tại huyện Thanh Oai, theo Thượng tá Đào Anh Sơn, Phó Trưởng Công an huyện, riêng trong năm 2023, Công an huyện đã bắt, khởi tố 4 vụ với 48 bị can về tội gây rối trật tự công cộng là người chưa thành niên, chủ yếu vì mâu thuẫn cá nhân. Các đối tượng thường tụ tập thành nhóm từ 10 người trở lên, chuẩn bị công cụ, hung khí, phương tiện tham gia đuổi đánh nhau trên đường, gây hoang mang dư luận.
Qua khảo sát ở một số địa phương, Ban Pháp chế, HĐND thành phố cho rằng, do đặc điểm tâm sinh lý của trẻ vị thành niên đang trong quá trình phát triển, hoàn thiện về thể chất và tinh thần; nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế nên dễ bị lôi kéo, kích động tham gia thực hiện các hành vi trái đạo đức, vi phạm pháp luật. Mặt khác, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong việc quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên, dẫn đến việc trẻ bỏ học, chơi bời hư hỏng mà bố mẹ không biết.
Phối hợp quản lý, giáo dục từ nhiều phía
Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường thể hiện qua các kênh như, liên lạc qua điện thoại, gặp gỡ trực tiếp, họp phụ huynh... Tuy nhiên, hình thức gặp gỡ trực tiếp và họp phụ huynh tổ chức theo định kỳ, không thường xuyên. Đa số bậc phụ huynh thường chỉ quan tâm trao đổi về kết quả học tập, rèn luyện của con em mình, ít khi quan tâm đến việc phối hợp quản lý thời gian học và trao đổi những biểu hiện bất thường của trẻ. Vì thế, khi nhà trường mời phụ huynh tới trường trao đổi tức là học sinh đã mắc lỗi sai phạm. Như vậy, sự phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh ở đây chỉ nhằm giải quyết hậu quả của học sinh chứ không mang tính phòng ngừa...
Trong khi đó, về phía lực lượng chức năng, Thượng tá Nguyễn Bình Ngọc, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm thừa nhận, công tác quản lý, giáo dục người chưa thành niên phạm tội cũng còn thiếu sót. Việc phân công, giao nhiệm vụ theo dõi, quản lý các em hư cho các tổ dân phố, cụm dân cư, gia đình, đoàn thể… không thường xuyên. Lực lượng chức năng chưa chú trọng rà soát, lập danh sách người chưa thành niên có nguy cơ cao bị lôi kéo vào hoạt động phạm tội, để có biện pháp phòng ngừa.
Trao đổi về các biện pháp phòng ngừa, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, để hạn chế trẻ chưa thành niên phạm tội cần sự phối hợp chặt chẽ từ nhiều phía. Ngoài tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em... để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, các tổ chức đoàn thể quần chúng; mỗi địa phương, cơ sở cần chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng hiệu quả các mô hình quản lý, giáo dục trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật, trong đó lấy phòng ngừa xã hội là cơ bản. Cùng với đó, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội để có khả năng giải quyết các tình huống ngay từ cơ sở; đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa vi phạm trong từng gia đình.
Đối với gia đình, bố mẹ cần thường xuyên quan tâm, quản lý, giáo dục, chia sẻ để nhận thấy những thay đổi tâm, sinh lý của con cái, qua đó trang bị cho con những hiểu biết cần thiết về pháp luật. Chỉ khi quan tâm, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường ở trẻ, chúng ta mới đưa ra được giải pháp ngăn ngừa kịp thời.