Để có nhiều “trái ngọt” an sinh
Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TƯ ngày 7-9-2009 của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế trong tình hình mới” theo hướng linh hoạt, sáng tạo, tôn trọng yếu tố đặc thù, thành phố Hà Nội đã nhận về những “trái ngọt” an sinh.
Đối tượng hưởng lợi rõ nhất là mỗi người dân, khi họ có cơ hội chăm sóc sức khỏe tốt hơn từ cơ sở, mà chỉ phải trả một phần chi phí.
Chuyển biến về lượng và chất
Giống như các tỉnh, thành phố khác, thời điểm từ năm 2008 trở về trước, việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế trên địa bàn Hà Nội bộc lộ nhiều hạn chế khi mới bao phủ gần 50% dân số. Từ năm 2009 đến nay, cả hệ thống chính trị của Hà Nội tập trung thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TƯ với tinh thần linh hoạt, sáng tạo, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm. Nhờ đó, công tác bảo hiểm y tế có sự chuyển biến tích cực cả về lượng và chất. Đến nay, Hà Nội có hơn 7,9 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 94% dân số (tỷ lệ này của cả nước là hơn 93%).
“Đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế ở Thủ đô đa dạng về thành phần, độ tuổi, thể hiện rõ tinh thần tương thân tương ái trong chăm sóc sức khỏe giữa người giàu với người nghèo, giữa người thuận lợi về sức khỏe với người ốm đau và rủi ro về sức khỏe, giữa người đang độ tuổi lao động với người già và trẻ em theo nội dung Chỉ thị số 38-CT/TƯ”, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến nhấn mạnh.
Dấu ấn đậm nét hơn là hiện nay, người dân Thủ đô có thẻ bảo hiểm y tế được tiếp cận với dịch vụ y tế đa dạng (Đông y và Tây y), phân bổ dày đặc, rộng khắp với mạng lưới gần 800 cơ sở, điểm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đóng trên địa bàn. Danh mục thuốc, dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả lên tới hàng nghìn loại, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện. Thực tế ghi nhận không ít trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo có cơ hội hồi sinh, nối dài sự sống nhờ được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả hàng tỷ đồng cho quá trình điều trị.
Có thể kể đến bệnh nhân Ngô Hoàng Giang, mã thẻ BT2020220796887, điều trị tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, được bảo hiểm y tế thanh toán 100% viện phí với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng trong năm 2023. Cùng được chi trả 100% viện phí với số tiền hơn 1,6 tỷ đồng trong năm 2023 là bệnh nhân Nguyễn Lộc Tuất, mã thẻ HT2402900007727, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương...
Dưới góc độ chuyên môn về khám, chữa bệnh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Đình Hưng khẳng định, chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ngày càng nâng lên, quyền lợi bảo hiểm y tế ngày càng mở rộng. Nói cách khác, mục tiêu: “Để bảo hiểm y tế thực sự góp phần bảo đảm an sinh xã hội và công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân” đề ra tại Chỉ thị số 38-CT/TƯ từng bước được hiện thực hóa.
Thích ứng linh hoạt với tình hình mới
Vai trò giá đỡ an sinh của bảo hiểm y tế là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, quy luật vận động, phát triển của xã hội luôn làm nảy sinh những yếu tố mới, mà bảo hiểm y tế không phải ngoại lệ, dẫn đến một số chính sách, quy định ban hành trước đó không còn phù hợp với thực tiễn. Dễ nhận thấy, bảo hiểm y tế chưa bao phủ đến toàn bộ các nhóm đối tượng, nhất là với những người có hoàn cảnh khó khăn nhưng không thuộc diện được hỗ trợ về bảo hiểm y tế.
Trong khi đó, hoạt động khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hiện quá tải ở nhiều bệnh viện tuyến thành phố, tuyến trung ương; thiếu bệnh nhân ở tuyến cơ sở, dẫn đến lãng phí nguồn lực, tăng gánh nặng cho Quỹ Bảo hiểm y tế. Chất lượng khám, chữa bệnh tại một số cơ sở chưa mang đến sự hài lòng cho người bệnh. Tình trạng sử dụng thuốc, dịch vụ y tế cao hơn nhu cầu cần điều trị của người bệnh còn xảy ra ở một số nơi...
Trước những bất cập hiện hữu, thay vì chờ đợi sự thay đổi từ chính sách vĩ mô, năm 2024 các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện bảo hiểm y tế theo tinh thần Chỉ thị số 38-CT/TƯ, nhưng cách triển khai có nhiều điểm mới. Về đối tượng tham gia, thành phố tạo thuận lợi cho mọi người dân có thể ghi danh trên hệ thống an sinh bằng cách hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần tiền mua thẻ bảo hiểm y tế cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Để chính sách lan tỏa, thấm sâu vào đời sống, thành phố xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên tuyên truyền về bảo hiểm y tế đến từng khu dân cư, tổ dân phố, đơn vị, trường học...
Hiện nay, ngoài lực lượng cán bộ, nhân viên của ngành, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ký hợp đồng với ba tổ chức dịch vụ thu là Bưu điện, Công ty bảo hiểm PVI và Viettell với 1.369 điểm thu và 1.791 nhân viên thu. Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội các quận, huyện, thị xã ký hợp đồng với 17 tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (2 phòng khám, bệnh viện; 3 hợp tác xã và 12 doanh nghiệp) với 20 điểm thu và 76 nhân viên thu. Các tổ chức dịch vụ cùng đội ngũ nhân viên thu được ví như những “cầu nối” an sinh vì họ có những đóng góp hiệu quả trong việc đưa chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đến với từng hộ gia đình cùng đông đảo người dân, người lao động.
Liên quan đến công tác khám, chữa bệnh, Hà Nội yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện tốt cùng lúc hai nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và bảo đảm sự cân bằng, ổn định của Quỹ Bảo hiểm y tế.
Theo đó, Quỹ Bảo hiểm y tế được chi theo nguyên tắc đúng người, đối tượng, mức hưởng, phạm vi hưởng. Mức chi được duyệt dựa trên kết quả giám định bảo hiểm y tế với quy trình nghiêm ngặt, khách quan.
Để có căn cứ chính xác, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội ứng dụng hiệu quả hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế, kết nối liên thông dữ liệu chi phí khám, chữa bệnh BHYT với 100% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn; đồng thời đôn đốc các cơ sở gửi dữ liệu chi phí khám, chữa bệnh lên hệ thống giám định ngay trong ngày. Từ kết quả giám định, riêng năm 2023, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội từ chối thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế với số tiền hơn 150 tỷ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, ngành Bảo hiểm xã hội Thủ đô tiếp tục chú trọng vận hành hiệu quả hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế. Đây là giải pháp quan trọng nhằm giảm tối đa tình trạng chi sai, lạm dụng, trục lợi nguồn quỹ, tạo lòng tin đối với người dân, giúp họ yên tâm tham gia chính sách.
Đặc biệt, tại Kế hoạch số 34/KH-UBND ngày 24-1-2024 về thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế năm 2024, UBND thành phố đề nghị các bên không để người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế thuộc phạm vi được hưởng; đồng thời tăng cường kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Người đứng đầu các đơn vị chức năng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra những sai phạm về bảo hiểm y tế.
Các quận, huyện, thị xã cũng rốt ráo triển khai công tác bảo hiểm y tế cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Chẳng hạn tại huyện Chương Mỹ, Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Thắng đề nghị các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, qua đó chấn chỉnh, xử lý kịp thời những vi phạm về bảo hiểm y tế. Riêng các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nhất là 32 trạm y tế xã, thị trấn cần rà soát lại hệ thống trang thiết bị, chú trọng nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giúp người dân tiếp cận với dịch vụ y tế tại nơi cư trú.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho rằng, việc chủ động tháo gỡ những bất cập, hạn chế để tăng hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm y tế của Hà Nội sẽ giúp thành phố nhận về nhiều hơn “trái ngọt” an sinh. Mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến 94,5% dân số vào cuối năm nay sẽ được hoàn thành.