Viết như một sự nhận thức lại ký ức
“Tháng ngày mê mải” là tên một cuốn tự truyện của tác giả trẻ Lê Ngọc Sơn do NXB Văn học và Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây liên kết xuất bản. Tác giả gọi những trang viết của mình là “Những ngày đã qua” với xúc cảm “ngồi đây, ghi lại, vừa để nhớ, vừa để cảm ơn cuộc đời đã cho tôi quá nhiều kỷ niệm”.
Cuốn sách gần 200 trang được chia làm ba phần, gồm “Phố xưa - bạn cũ”, “Những cung đường tuổi trẻ” và “Tôi đi tìm tôi”. Trong cuốn sách này, Lê Ngọc Sơn tuân thủ nghiêm ngặt thủ pháp của người viết hồi ký với dòng tự sự nội tâm mải miết say đắm, rồi chính anh hóa thân thành độc giả bên trong, độc giả đầu tiên để tự ngắm chân dung mình trong dòng văn ấy. Đó là sự thú vị của một cách viết và tạo ra nhiều cách đọc.
Đọc “Tháng ngày mê mải” có lúc chúng ta ngỡ đó là chuyện của đời mình. Ở phần đầu tiên, những chuyện Sơn kể có một chất thơ ngây đến độ như cổ tích của thời đại mới. Nào là, “chai thủy tinh nhỏ, dùng làm “lợn đất”, hay những ký ức, những hiện thực được nhận diện lại: “Rồi chợ, rồi phố ngày xưa trong trí nhớ tôi to và rộng, giờ bỗng nhỏ, hẹp làm sao. Có lẽ không gian sống đều nhỏ hẹp lại khi mình lớn lên. Hay là trong trí nhớ trẻ thơ cái gì cũng lớn?”.
Nhưng Lê Ngọc Sơn đâu chỉ mê mải trong ký ức của riêng mình. Ở phần hai, anh đối thoại với thời đại và trực diện với những vấn đề xã hội cũng như tự đặt mình vào những vị thế xã hội khác và quan sát cuộc sống. Anh nhận ra những điều tinh tế mà không phải ai cũng lưu tâm. Trong “Tà Năng - Phan Dũng”, anh viết: “Hoàng, người dẫn đoàn đang đi bỗng nhiên dừng lại, châm và cắm một điếu thuốc bên lề đường tưởng nhớ một người bạn đã đi xa do tai nạn xe chính tại địa điểm này. Lòng tôi chùng xuống”. Còn ở phần thứ ba, sự trải nghiệm tạo nên một Lê Ngọc Sơn kinh nghiệm, vững vàng, linh hoạt hơn nhưng vẫn giữ được sự chất phác, hồn nhiên của cậu bé ngày nào. Đọc văn của anh, sự thú vị đến từ những câu, những đoạn, các tình tiết “bỗng dưng” được người viết kể ra như một sự phân rã của mạch cảm xúc.
Không phải người từng trải nào cũng có thể viết, không phải trang viết nào cũng có văn, mà văn chương luôn chịu sự sàng lọc nghiệt ngã từ phía độc giả. Lê Ngọc Sơn không nặn chữ, đúc chữ, không làm màu cho sáng tác của mình mà anh viết như một nhu cầu nhận thức lại thực tại của mình. “Tháng ngày mê mải” chính là thực tại của những kỷ niệm vui buồn nhưng tất cả đã để lại cho anh một tình yêu cuộc sống, dạy cho anh những bài học về lẽ sống.
Sau cuốn sách này, có thể Lê Ngọc Sơn sẽ tiếp tục đi xa hơn trong văn chương hoặc điềm tĩnh chọn một khoảng lặng. Chúng ta hãy cùng chờ đợi ở anh...