Lãi suất tiết kiệm tăng: Dòng tiền không còn “đọng” ở ngân hàng
Hàng loạt ngân hàng thông báo điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức thấp 5-6%/năm cho 12 tháng đầu. Theo các chuyên gia, lãi suất huy động tăng cho thấy dòng tiền bắt đầu được luân chuyển, không còn “đọng” ở ngân hàng.
Lãi suất tiết kiệm tăng 0,1-0,3%/năm
Sau nhiều tháng liên tục “phá đáy”, kể từ đầu tháng 3 đến nay, lãi suất huy động rục rịch tăng. Đặc biệt từ đầu tháng 4, lãi suất huy động tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, mức tăng chỉ áp dụng với kỳ hạn ngắn, hoặc với khoản tiền gửi khá lớn. Theo biểu lãi suất mới nhất được các ngân hàng thương mại niêm yết, mức tăng lãi suất khoảng 0,3%/năm.
Tại Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank), lãi suất huy động trực tuyến dành cho khoản tiền gửi dưới 10 tỷ đồng tăng 0,3%/năm, kỳ hạn 1 tháng là 2,7%/năm, kỳ hạn 2-5 tháng là 3%/năm, trong khi các kỳ hạn còn lại, lãi suất được giữ nguyên. Với các mức gửi tiền từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng, lãi suất tăng 0,1%/năm; mức tiền gửi từ 50 tỷ đồng trở lên, lãi suất tăng 0,2%/năm. Đây là lần thứ hai trong tháng 4, VPBank điều chỉnh tăng lãi suất huy động và là lần thứ ba kể từ đầu năm.
Trước đó, đầu tháng 4, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động gồm: Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Hàng Hải (MSB), Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank)... Một ngân hàng trong nhóm có vốn nhà nước là Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) cũng tăng lãi suất tiền gửi. Mặc dù mức tăng chưa lớn, nhưng đây rõ ràng là tín hiệu thể hiện ngân hàng bớt “thừa tiền”.
Theo các chuyên gia, dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động không còn nhiều vì mặt bằng lãi suất hiện đang ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Mặt khác, kết thúc quý I-2024, tín dụng tăng trưởng khoảng 1,34% so với cuối năm 2023. Như vậy, sau hai tháng đầu năm suy giảm, tín dụng tăng trưởng cho thấy nhu cầu vốn vay trong nền kinh tế đã hồi phục. Đáng nói là tình hình huy động vốn 3 tháng đầu năm lại sụt giảm, vì vậy, dù Ngân hàng Nhà nước có hỗ trợ thanh khoản, thì các ngân hàng vẫn phải tăng lãi suất huy động để không ảnh hưởng đến hoạt động cho vay. Trong khi đó, áp lực từ lạm phát, tỷ giá đang tăng lên.
Đại diện Ngân hàng UOB Việt Nam cho rằng, mặt bằng lãi suất tiết kiệm đang ở mức thấp kỷ lục và có thể đã chạm đáy trong tổng thể đánh giá mức lợi tức kênh đầu tư ít rủi ro nhất này so với lạm phát, tỷ giá và nhu cầu vốn trong nền kinh tế. Ông Trịnh Bằng Vũ - đại diện Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhận định, lãi suất tiền gửi bắt đầu được điều chỉnh tăng nhẹ ở một số ngân hàng thương mại, do thanh khoản của hệ thống bắt đầu có tín hiệu cạn.
“Sóng” lãi suất sẽ đi về đâu?
Thực tế, lãi suất tiết kiệm tăng phần nào giúp kênh đầu tư này trở nên hấp dẫn hơn đối với người dân trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như bất động sản, chứng khoán… phục hồi và có dấu hiệu hút tiền trở lại. Các chuyên gia dự báo, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 0,5-1%/năm từ nửa sau năm 2024 nhờ doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong tiếp cận tín dụng để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Nửa cuối năm cũng là giai đoạn tín dụng tăng cao hơn so với nửa đầu năm.
Song, cũng có ý kiến cho rằng, bằng việc cung cấp thanh khoản cho hệ thống qua các phiên giao dịch gần đây, Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì mặt bằng lãi suất huy động của toàn hệ thống ở mức như hiện tại, tạo đà thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng, cũng như duy trì hỗ trợ dòng vốn cho sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ chưa có sự thay đổi đáng kể, bởi với việc điều chỉnh giảm biên độ lợi nhuận trên từng khoản vay, các ngân hàng thương mại sẽ giữ cho tổng dư nợ tín dụng tăng trưởng nhanh nhất có thể nếu vẫn muốn đạt chỉ tiêu lợi nhuận chung cuối năm. Do đó, mặt bằng lãi suất cho vay sẽ được duy trì ở mức thấp như hiện tại, cho tới khi chỉ tiêu tăng trưởng đạt được những kết quả như mong đợi.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Trong đó, lãi suất được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ. Liên quan đến việc cấp tín dụng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024; rà soát, đánh giá và đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.