Cần sớm xóa độc quyền vàng miếng
Ngân hàng Nhà nước thông tin sẽ đưa vàng miếng ra đấu thầu trong ngày 22-4 để tăng cung cho thị trường. Về phương thức, Ngân hàng Nhà nước xác định đối tác, giá và khối lượng vàng miếng mua, bán.
Tổ chức tín dụng, doanh nghiệp được thông báo trước một ngày để đặt cọc. Sau khi nhà điều hành công bố giá sàn, các đơn vị có 30 phút để quyết định khối lượng, giá mua. Như vậy có thể hiểu, vàng miếng được đấu thầu thông qua hình thức đấu giá.
Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức tháng 3-2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng, với tổng khối lượng trúng thầu hơn 1,89 triệu lượng. Khi đó, giá vàng SJC đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng. Từ đó đến nay, sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước mới tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Việc đấu thầu vàng miếng lần này được kỳ vọng đưa giá vàng trong nước về sát hơn với giá vàng thế giới, bởi nguồn cung vàng trong nước hạn chế được coi là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới khá cao, có thời điểm lên tới gần 20 triệu đồng/lượng. Biên độ giá mua vào và bán ra cũng được doanh nghiệp để khá cao nhằm tránh rủi ro. Mặt khác, nguồn cung hạn chế còn dẫn tới nguy cơ buôn lậu vàng từ nước ngoài vào Việt Nam, ảnh hưởng đến tỷ giá VND/USD cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.
Giá vàng thế giới gần đây liên tục lập đỉnh. Trong nước, mỗi lượng vàng SJC giao dịch quanh mốc 84-85 triệu đồng/lượng, tăng gần 15% so với đầu năm 2024. Nhẫn trơn tăng hơn 20% so với thời điểm đầu năm, giao dịch quanh mốc 71-72 triệu đồng/lượng. Sau khi Ngân hàng Nhà nước thông tin việc đấu thầu vàng miếng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới đã rút xuống còn khoảng 10 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, như đã nói, bất cập của thị trường vàng trong nước không chỉ do thiếu nguồn cung mà còn do nhiều vấn đề khác. Theo đó, chính sách quản lý thị trường vàng cũng cần thay đổi phù hợp với diễn biến thị trường, mục tiêu, hiệu quả quản lý. Hơn chục năm qua, cơ quan quản lý độc quyền sản xuất vàng miếng SJC. Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Sài Gòn (mang thương hiệu SJC) chỉ được thuê gia công vàng miếng dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý. Chính sách này có thể phù hợp ở một thời điểm nhất định nhằm chống vàng hóa nền kinh tế, khi mọi phương tiện thanh toán đều được quy ra vàng. Khi vấn đề này đã được giải quyết nhưng độc quyền vàng miếng SJC vẫn tiếp tục trong thời gian dài, cộng với nguồn cung vàng không tăng khiến thị trường bất cập, dẫn đến nhiều hệ lụy. Thông tin sửa đổi quy định, bỏ độc quyền vàng miếng SJC đã được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, song giờ là lúc cần ban hành đồng bộ với việc đấu thầu vàng miếng, tăng cung cho thị trường.
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần rà soát nhu cầu nguyên liệu thực tế của doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức trong nước cũng như các mục đích khác, để xem xét, cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, tránh tình trạng thu mua cả vàng miếng SJC làm nguyên liệu hay mua vàng trôi nổi trên thị trường. Đối với doanh nghiệp gia công vàng cho nước ngoài, cơ quan quản lý tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi trong nhập khẩu nguyên liệu, bảo đảm sản xuất, tránh ảnh hưởng đến thị trường trong nước.
Cuối cùng, như kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành chức năng cần cùng vào cuộc kiểm soát thị trường vàng, bởi những vấn đề của thị trường hiện nay liên quan đến chức năng quản lý của nhiều bộ, ngành. Một sự quản lý đồng bộ (xuất hóa đơn, chống buôn lậu, kiểm soát nguồn gốc vàng…) sẽ giúp thị trường minh bạch hơn, việc giám sát, điều hành hiệu quả hơn.