Xã hội

Đón nhận, an táng hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong Đội N43

Nguyệt Ánh 20/04/2024 18:18

Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ Nguyễn Thị Dung tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, xúc động.

Chiều 20-4, tại Nghĩa trang liệt sĩ thành phố Hà Nội, Đảng ủy - UBND phường Láng Hạ (quận Đống Đa), Ban Liên lạc Đội thanh niên xung phong N43 cùng gia đình đã tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Thị Dung.

s.jpg
Nghi lễ phủ Quân kỳ Quyết thắng cho Liệt sĩ Nguyễn Thị Dung. Ảnh: Nguyệt Ánh

Liệt sĩ Nguyễn Thị Dung sinh ngày 18-7-1943 trong gia có 5 anh chị em, tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Tháng 7-1965, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” do Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội phát động, bà đã viết đơn tình nguyện tham gia đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, biên chế vào Đại đội 422, thuộc Đội thanh niên xung phong N43 - đội thanh niên xung phong đầu tiên của Hà Nội.

Đầu năm 1967, Đại đội 422 đóng quân tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, chịu trách nhiệm mở và bảo vệ tuyến đường 22. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, vì vậy, đế quốc Mỹ đánh phá rất dữ dội. Ngày 24-4-1967, chiến sĩ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Dung đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ, lúc vừa tròn 24 tuổi.

b.jpg
g.jpg
h.jpg
Đại biểu, đồng đội, gia đình, người thân dâng hương Liệt sĩ Nguyễn Thị Dung. Ảnh: Nguyệt Ánh

Sau gần 60 năm an nghỉ tại Hà Tĩnh, đến nay, thể theo nguyện vọng của gia đình, được sự giúp đỡ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh, thành phố Hà Nội, Đảng bộ - UBND phường Láng Hạ, Ban Liên lạc Đội thanh niên xung phong N43 và gia đình đã tổ chức Lễ đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Thị Dung tại Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Hà Nội.

Tại lễ truy điệu, đại diện Hội Cựu thanh niên xung phong thành phố, Ban Chỉ huy quân sự quận, cùng lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể quận, phường, Ban Liên lạc Đội thanh niên xung phong N43; đồng chí, đồng đội và thân nhân đã bày tỏ lòng thành kính, tri ân sâu sắc đối với sự cống hiến, hy sinh anh dũng của Liệt sĩ Nguyễn Thị Dung cho Tổ quốc.

Việc đón nhận, truy điệu và an táng hài cốt liệt sĩ về nghĩa trang với mong muốn làm vơi đi phần nào những mất mát của thân nhân liệt sĩ; đồng thời là sự tiếp nối truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc.