Chăm sóc sức khỏe học đường: Giúp trẻ phát triển toàn diện
Thời gian qua, nhiều nhóm giải pháp đã được triển khai nhằm thực hiện Chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, với mục tiêu bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh. Tuy nhiên, những vấn đề nổi cộm liên quan đến sức khỏe học đường vẫn thường xuyên xảy ra, đòi hỏi phải phát huy vai trò, trách nhiệm của nhà trường và gia đình, đồng thời tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức, cùng hành động để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tương lai.
Quan tâm tới thể chất, tinh thần của học sinh
Có thể kể ra rất nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến sức khỏe học đường diễn ra thời gian qua, như tình trạng học sinh bị bạo hành thân thể, bạo hành tinh thần, những bữa ăn trường học thiếu dinh dưỡng, những vụ ngộ độc thực phẩm, tình trạng ma túy xâm nhập vào trường học. Cùng với đó là tình trạng một số ít học sinh có những quyết định dại dột vì bị quá tải trong học tập, áp lực thi cử, sự thiếu sẻ chia từ gia đình, thầy, cô giáo, bạnbè… Mới nhất là câu chuyện về một học sinh ở Hà Nội bị xâm hại, phải tạm nghỉ học, sinh con khi mới 12 tuổi khiến tất cả xót xa…
Bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng nhiều vấn đề nổi cộm liên quan đến sức khỏe học đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) Nguyễn Thị Hiền cho rằng: “Chúng ta phải đề cao nhiều hơn vai trò, trách nhiệm của cả nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe trẻ em, học sinh, nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho các em. Không thể hễ có chuyện gì xảy ra cũng đổ lỗi cho nhà trường, mà coi nhẹ trách nhiệm của gia đình. Ở một góc độ khác, trước mỗi sự việc nóng xảy ra, từng địa phương, từng cơ sở phải có trách nhiệm trước tiên...”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hiền, việc bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh đòi hỏi chúng ta phải thay đổi tư duy, bảo đảm sự cân bằng, công bằng giữa các môn học. Ở Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, giáo viên giáo dục thể chất, giáo viên dạy các môn năng khiếu đều được nhận lương cao. Chưa bao giờ trường coi các môn năng khiếu là môn phụ. Quan điểm của trường là phải đề cao “Thể - Đức - Trí - Mỹ”, đưa “Thể” lên đầu tiên, bởi có sức khỏe sẽ giúp học sinh cân bằng được việc học tập, giải trí, qua đó, việc giáo dục đạo đức, giáo dục kiến thức, giáo dục kỹ năng sẽ hiệu quả hơn. Nhà trường thường xuyên khuyên phụ huynh hãy dành nhiều thời gian cho con tập thể dục, thể thao, hoạt động năng khiếu...
Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới hiện nay xem trường học là nơi để tập trung nâng cao sức khỏe, thay đổi hành vi, lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước. Thông qua việc giáo dục sức khỏe, rèn luyện kỹ năng sống, cải thiện môi trường học tập sẽ tạo điều kiện chăm sóc sức khỏe, đẩy lùi “ô nhiễm” môi trường học đường, bắt kịp xu thế chung của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trường học an toàn - học sinh khỏe mạnh
Thống nhất quan điểm phải tăng cường cơ chế phối hợp, kết nối giữa trường học và gia đình trong hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng lưu ý giải pháp tăng cường truyền thông tại cơ sở, trường học, từ đó lan tỏa trong cộng đồng thông điệp “trường học an toàn - học sinh khỏe mạnh”. Ông Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Sức khỏe học đường có tác động rất lớn đến chất lượng nguồn nhân lực. Trong xã hội bùng nổ thông tin, con người phải vừa có sức khỏe, kiến thức, vừa có bản lĩnh, trí tuệ. Chương trình sức khỏe học đường của Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến công tác truyền thông và vận động xã hội tham gia, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhận thức của các trường học, thầy, cô giáo, học sinh, sinh viên, cũng như gia đình, về xây dựng môi trường học tập an toàn”.
Nhà báo Tô Quang Phán, Trưởng ban Tổ chức Chuỗi tọa đàm và Cuộc thi viết “Sức khỏe học đường - Vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước”, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Công dân và Khuyến học cho biết: “Để con em chúng ta khỏe mạnh về thể chất và tinh thần, truyền thông cần vào cuộc mạnh mẽ, qua đó kết nối những tấm lòng, chung tay cùng các cấp chính quyền, trường học, thầy, cô giáo, phụ huynh, học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp xây dựng môi trường sống và học tập lành mạnh, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sức khỏe học đường, vì một tương lai tốt đẹp cho thế hệ trẻ”.
Bàn thêm về giải pháp tăng cường truyền thông về vấn đề sức khỏe học đường, Giám đốc Trung tâm Giáo dục sức khỏe trung ương (Bộ Y tế) Vũ Mạnh Cường cho rằng, cần phát huy việc sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, phổ biến đến các trường học về chủ trương, chính sách, hướng dẫn đối với sức khỏe học đường và nâng cao sức khỏe cho học sinh. Đồng thời, tăng cường tổ chức các phong trào, cuộc thi tìm hiểu về sức khỏe học đường, các diễn đàn, các câu lạc bộ sức khỏe trường học...; tập huấn, nâng cao năng lực về các kỹ năng truyền thông.