Văn hóa

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024: Thành tâm hướng về nguồn cội!

Hoàng Lân 18/04/2024 08:26

Hôm nay (18-4, tức ngày 10 tháng Ba năm Giáp Thìn), chính lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng. Từ khắp mọi miền Tổ quốc, người người thành tâm hướng về Đất Tổ, tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã dày công lập quốc, xây dựng và bảo vệ non sông.

Đây cũng là dịp để mỗi người khắc ghi đạo lý “uống nước nhớ nguồn” và ý thức rõ hơn trách nhiệm trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, giàu mạnh...

den-hung.jpg
Người dân tham dự Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024. Ảnh: Việt Hà

Tri ân công đức tổ tiên

Dịp này, trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt lại vang vọng lời nhắc nhở “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng Ba” và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa - du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 diễn ra từ ngày 9 đến 18-4 (tức từ mùng 1 đến mùng 10 tháng Ba) tại thành phố Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ. Từ hơn một tuần trước, người Việt Nam ở khắp mọi nơi đã hành hương về nguồn, cùng tham gia các hoạt động dâng hương, tưởng nhớ các Vua Hùng và nhiều hoạt động vui chơi trong khuôn khổ lễ hội. Lượng khách rất đông song công tác bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường vẫn được bảo đảm. Du khách ý thức hơn trong hành vi, cách ứng xử với tâm niệm sâu sắc rằng về với Đất Tổ là trở về với cội nguồn, ghi nhớ công ơn tiên tổ.

Hòa vào dòng người tấp nập hành hương, bà Nguyễn Thị Hoa (Thanh Hóa) cùng con cháu có mặt tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng từ sáng sớm. Dù đã 70 tuổi, có chút mệt mỏi khi tới Đền Thượng, bà Hoa vẫn niềm nở: “Về Đất Tổ vào dịp Giỗ Tổ là về với tổ tiên, nguồn cội. Tôi vẫn nhắc con cháu phải nhớ công đức của tổ tiên, biết rằng những gì mình đang có hôm nay đáng quý thế nào”.

Anh Trần Anh Hùng, một Việt kiều mới từ Australia trở về nước thăm thân, cũng dành thời gian trẩy hội Đền Hùng. Nhìn khuôn viên khu di tích được cải tạo khang trang, sạch đẹp, anh Hùng cho biết mình cảm thấy tự hào vì sự đổi mới của quê hương. “Tục thờ cúng Hùng Vương là nét đẹp văn hóa đáng trân trọng. Sự đông đúc ở đây không khiến tôi thấy phiền, bởi điều đó cho thấy truyền thống “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” vẫn đang được tiếp nối”, anh Hùng bày tỏ.

Đổi mới, hướng đến tương lai tươi đẹp

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa - du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 kéo dài 10 ngày. Ban tổ chức đã có sự đổi mới trong công tác tổ chức để khách hành hương có được trải nghiệm ý nghĩa.

Như truyền thống, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024 gồm 2 phần: Lễ và hội. Phần lễ bao gồm: Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ vào ngày 14-4 (tức mùng 6 tháng Ba); Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại bức phù điêu "Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân tiên phong" vào ngày 18-4 (mùng 10 tháng Ba); Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ từ ngày 9 đến 18-4 (tức từ mùng 1 đến 10 tháng Ba).

Phần hội, với điểm nhấn là Tuần văn hóa - du lịch Đất Tổ, có nhiều hoạt động văn hóa, du lịch, ẩm thực ý nghĩa như: Liên hoan văn nghệ quần chúng, hội thi dân ca Phú Thọ; trưng bày hiện vật, sách báo, tư liệu ảnh; hội thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trình diễn hát xoan làng cổ; hội thi bơi chải mở rộng... được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra lễ hội.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy cho biết, điểm khác biệt so với mọi năm là năm nay quy mô các chương trình, hoạt động được mở rộng hơn, du khách có cơ hội tìm hiểu về văn hóa Đất Tổ thông qua nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ hội làng Hùng Lô, Lễ hội Tam Giang - Bạch Hạc gắn với sự tích rước nước ở ngã ba sông... Ngoài ra, Ban tổ chức còn thực hiện dự án "Phú Thọ - Khát vọng xanh" với việc trồng cây kơ nia ở Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

“Chúng tôi muốn lan tỏa thông điệp “Cội nguồn xanh”, nâng cao ý thức về việc giữ gìn cảnh quan, môi trường sinh thái, đó cũng là cách nâng niu, giữ gìn di sản của dân tộc”, ông Nguyễn Đắc Thủy nói.

Một trong những điểm nhấn tại Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần văn hóa - du lịch Đất Tổ năm Giáp Thìn 2024 là lễ ra mắt tour du lịch “Về miền Di sản UNESCO ghi danh” - gồm 3 tuyến. Tour du lịch đêm “Trở về cội nguồn - Linh thiêng Đất Tổ” cũng được khởi động lại, mang đến trải nghiệm hấp dẫn, khác biệt cho du khách về dự hội.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ Vũ Thị Hoài Phương chia sẻ, việc xây dựng chương trình tour khác biệt nhằm mang lại cho du khách cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa, lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, đặc biệt là các hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Tour du lịch còn nhằm kích cầu du lịch, quảng bá rộng rãi hình ảnh Đền Hùng, lịch sử và văn hóa vùng Đất Tổ.

Để giúp nhân dân về dự hội an toàn, công tác bảo đảm an ninh trật tự, phân luồng giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như chỉnh trang khuôn viên đô thị, quy hoạch hàng quán dịch vụ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì được siết chặt. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2024 Hồ Đại Dũng khẳng định, Ban tổ chức sẽ toàn tâm thực hiện trách nhiệm để bảo đảm an toàn cho nhân dân và du khách.