Văn hóa

Vĩnh biệt Cẩm Vân - nhà báo tận tình với bạn đọc

Thọ Cao 18/04/2024 - 07:04

Nghe tin dữ đến đột ngột, tôi không giữ nổi nước mắt. Không ngờ Cẩm Vân - hội viên của Hội Hưu Báo Hànộimới đã từ giã thế giới này.

Sau giây phút bàng hoàng, tôi thắp nén hương thơm, ngồi vào bàn viết, nhìn khói hương bảng lảng, nhớ về một thời đã xa nhưng ký ức vẫn còn xanh về một nhà báo luôn tận tình với bạn đọc gần xa.

nha-bao-cam-van.jpg
Nhà báo Cẩm Vân.

1. Cẩm Vân quê xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì, Hà Nội) nhưng sinh ra tại tỉnh Yên Bái. Sáu năm sau ngày hòa bình lập lại, giữa thời chiến ác liệt, Nguyễn Thị Cẩm Vân - nhân viên đánh máy chữ - được Ban Biên tập Báo Thời Mới cử đi học lớp bồi dưỡng cộng tác viên của Báo Lao động.

Khi trở về Báo Thời Mới, được Ban Biên tập bố trí vào Ban Kinh tế, Cẩm Vân bắt đầu hành nghề. Bài viết đầu tiên về một chị Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp ở huyện Từ Liêm đã được báo nhà đăng. Nữ nhà báo càng phấn khởi, hăng hái, bất chấp hiểm nguy trong những ngày bom rơi, đạn nổ trên đường đi cơ sở lấy tài liệu viết bài. Trong một lần từ Xí nghiệp Đúc Mai Lâm trở về, đang đạp xe trên cầu Long Biên thì có báo động, chả biết tránh vào đâu, Cẩm Vân đành liều núp sau thanh sắt to trên cầu.

Lần khác, khi đạp xe tới gần Nhà máy Cao su Sao Vàng thì còi báo động, máy bay Mỹ bỗng lao tới, Cẩm Vân lẩn nhanh vào ruộng lúa bên đường, tưởng chết đến nơi! Giữa thời chiến, nhiều lần tôi cùng “tân binh” Cẩm Vân tới các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp hoặc nhà máy, xí nghiệp công nghiệp địa phương tác nghiệp. Trên đường về, tôi thường trao đổi với Cẩm Vân về kinh nghiệm nghề nghiệp.

Tới đầu năm 1968, hai báo hằng ngày là Thời Mới và Thủ đô Hà Nội hợp nhất thành Báo Hànộimới. Tôi và Cẩm Vân vẫn ở Ban Kinh tế, theo dõi ngành công nghiệp. Nhưng năm sau, bà được Ban Biên tập điều chuyển bổ sung cho Ban Bạn đọc.

Ở ban mới, Cẩm Vân được phân công nhận, đọc, phân loại đơn thư gửi đến, trả lời bạn đọc trên báo hoặc bằng thư riêng và tiếp khách. Khi vào việc Cẩm Vân mới thấy, Ban Bạn đọc chẳng khác văn phòng tư vấn pháp luật hoặc một tòa án dân sự cấp thấp. Những lá thư cũng như khách đến tòa soạn phản ánh đủ mọi chuyện trên đời. Song, tài liệu, văn bản tra cứu để trả lời thiếu rất nhiều, ngoài vài số công báo rời rạc. Để làm được việc, Cẩm Vân không ngại khó, dành thời gian đến các cơ quan, đơn vị của trung ương và Hà Nội để thu thập những văn bản, tài liệu, các số công báo còn thiếu, đóng thành tập, rồi làm mục lục một cách khoa học, dễ tra cứu.

Một người bạn từng nói: “Sức đâu mà đọc hết thư bạn đọc, giải đáp hết thắc mắc. Bà không thấy nhức đầu à?”, Cẩm Vân chỉ cười. Nhờ tích lũy được một số vốn sống, bà nhanh chóng thích nghi với công việc được giao, cứ lặng lẽ phục vụ vì lương tâm và trách nhiệm với bạn đọc. Gần 20 năm công tác, Cẩm Vân trả lời rất nhiều thư bạn đọc, bao gồm đăng trên báo và gửi thư riêng. Còn những bức xúc phải can thiệp là con số lớn không kể xiết, nhiều việc đạt kết quả, tuy phải tốn công đi lại vất vả.

2. Những ngày nghỉ hưu, bà Cẩm Vân chỉ còn nhớ và kể lại một số trường hợp đem lại niềm vui cho nhiều người.

Trước hết là chuyện một anh lái xe ở huyện Từ Liêm. Giữa khói lửa chiến tranh, đội xe của anh nhận lệnh gấp rút phục vụ chiến dịch vận chuyển vào chiến trường phía Nam. Hộ khẩu gốc ở Từ Liêm nhưng phải cắt chuyển vào thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) để tiện việc cung cấp lương thực, thực phẩm. Hòa bình lập lại, anh được Công trường 75 nhận về làm tại Hà Nội. Do không có quyết định của Bộ Xây dựng nên anh không nhập được hộ khẩu. Đơn vị ở Vinh cũng cắt biên chế, trong khi Công trường 75 không có quyết định của Bộ Xây dựng cũng không dám nhận. Anh không có việc làm, lương thực, thực phẩm dùng hằng ngày cũng thiếu. Trước tình cảnh đó, Cẩm Vân tìm đến Công trường 75, rồi tới Bộ Xây dựng năm lần bảy lượt để can thiệp. Khi đã có quyết định tiếp nhận cán bộ của Bộ Xây dựng, bà lại đến Sở Công an thành phố đề nghị nhập khẩu cho anh về Hà Nội. Công việc xong xuôi, cả nhà anh vui như Tết!

Tới chuyện anh bộ đội chuyển ngành về một cơ quan thuộc Bộ Xây dựng, đến Ban Bạn đọc vừa nói vừa khóc như mưa như gió. Số là vẫn với tác phong quân đội, trong các cuộc họp, anh thẳng thắn vạch trần những hiện tượng tiêu cực trong cơ quan, khiến lãnh đạo không vừa ý. Cẩm Vân phải nhiều lần đến Bộ Xây dựng, gặp cán bộ tổ chức để can thiệp, anh mới được trả lại công bằng.

Lại đến chuyện Nhà máy X20 đuổi việc công nhân không đúng chế độ. Cẩm Vân đạp xe tới tận nơi, mãi ở khu Giáp Bát. Giám đốc vốn là cựu chiến binh, gọi ngay cán bộ tổ chức lên đối chất. Khi biết anh ta có thành kiến với công nhân, đã làm sai chế độ, ông giám đốc ra lệnh phải sửa ngay...

Trong số người bị bức xúc về nhà cửa có bác sĩ Lâm ở Bệnh viện Việt Nam - Cuba. Ông cho một gia đình ở nhờ một phần nhà từ năm giải phóng Thủ đô. Khi gia đình này được cơ quan phân nhà mới nhưng không trả nhà cho người tốt bụng. Bác sĩ Lâm phải đến nhờ cơ quan báo giúp đỡ và Cẩm Vân được giao nhiệm vụ giải quyết. Khi lấy lại được diện tích nhà cho ở nhờ, bác sĩ Lâm rất vui và cảm ơn hết lời.

Phần thưởng của nữ phóng viên, ngoài tấm Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Ba, Huy chương “Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam”, là những tình cảm của bạn đọc đối với bà Cẩm Vân. Một hôm, đến cơ quan Báo Hànộimới họp hội hưu, Cẩm Vân được anh em thường trực bảo vệ nói lại: “Nhiều người đến hỏi cô, chúng cháu bảo cô nghỉ hưu rồi, họ đều nói “Tiếc quá nhỉ!”". Nghe chuyện, bà thầm nghĩ mình đã làm hết sức mình với bạn đọc để bây giờ thấy không hổ thẹn với lương tâm.

Không ngờ đến hôm nay, Cẩm Vân đã từ giã cõi đời này. Chúng tôi nhớ tiếc một con người đầy nghị lực, giàu tình cảm. Xin cầu chúc cho đồng nghiệp yên nghỉ thanh thản, an nhiên.