"Tín dụng đen" bủa vây công nhân, lao động với nhiều thủ đoạn mới
Chiều 17-4, Báo Lao Động tổ chức hội thảo với chủ đề “Xây dựng môi trường an toàn, nâng cao chất lượng sống cho đoàn viên, người lao động”.
Các đánh giá tại hội thảo cho thấy, đang có tình trạng sử dụng công nghệ cao “móc túi” công nhân; "tín dụng đen" bủa vây một bộ phận người lao động…
Đáng chú ý, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện một số hình thức “tín dụng đen”, cho vay tiền với phương thức, thủ đoạn hoạt động mới.
Đó là thông qua các diễn đàn, hội nhóm trên các nền tảng mạng xã hội, người vay chỉ cần để lại số điện thoại, lời nhắn, bài đăng trong nhóm kín (Zalo, Facebook, TikTok…), các đối tượng cho vay sẽ chủ động tiếp cận, liên hệ người vay tiền; người vay viết giấy vay nợ và giao cho xe ôm, người giao hàng chuyển cho đối tượng ở các quán nước vỉa hè. Các đối tượng thuê tài khoản ngân hàng, tài khoản ảo để giao dịch, người vay không biết đối tượng cho vay.
Riêng quý I-2024, Công an thành phố Hà Nội đã phát hiện, điều tra khám phá 19 vụ, bắt giữ 82 đối tượng liên quan hoạt động "tín dụng đen", tăng 15 vụ so với quý I-2023. Nổi lên là các hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; các đối tượng chủ yếu hoạt động cho vay lãi nặng dưới hình thức "bốc bát họ" và cho vay tín chấp với lãi suất cao nhằm thu lợi bất chính.
Tại hội thảo, các khách mời, chuyên gia đã nêu ra nhiều giải pháp xây dựng môi trường an toàn, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Từ đó có cơ sở đảm bảo an ninh trật tự, an toàn lao động, xây dựng và phát triển đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất trong tình hình mới.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, hiện Hà Nội có 10 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích sử dụng đất là 1.348ha, tỷ lệ lấp đầy diện tích đạt trên 97%. Đến hết năm 2023, tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có khoảng 167.000 người. Trong đó, lao động nước ngoài khoảng 1.270 người.
Để góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, công đoàn đã phối hợp cùng lực lượng công an đến doanh nghiệp, khu nhà trọ công nhân, tuyên truyền kỹ năng, kiến thức phòng, chống tội phạm, các tệ nạn xã hội, tố giác tội phạm, phòng, chống cháy nổ và thủ đoạn hoạt động của “tín dụng đen”...
Bên cạnh công tác tuyên truyền theo truyền thống, từ thực tiễn hoạt động, công đoàn đã thành lập và tuyên truyền trên các nhóm Zalo, fanpage Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các nền tảng mạng xã hội… để tiếp cận gần hơn, đa dạng hơn với người lao động.
Ở góc nhìn khác, Thiếu tá Lê Anh Tuấn, Phó Trưởng phòng 5, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đề xuất nhiều giải pháp, trong đó, tập trung rà soát, nghiên cứu để đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng ban hành, từng bước hoàn thiện thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao. Kịp thời phát hiện những phương pháp, thủ đoạn mới của tội phạm để đề xuất các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn.
"Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác phối hợp giữa lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao và các lực lượng nghiệp vụ khác. Để mối quan hệ phối hợp đạt hiệu quả, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, phối hợp, phải có sự phân định phạm vi trách nhiệm quản lý và hoạt động của từng ngành, từng lực lượng, tránh sự chồng chéo...", Thiếu tá Lê Anh Tuấn nói.