Sống dậy Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy qua trường ca của nhà thơ Hữu Thỉnh
Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” của nhà thơ Hữu Thỉnh ra mắt ngày 17-4, tại Hà Nội, là tác phẩm có giá trị và ý nghĩa hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Trường ca “Giao hưởng Điện Biên” do Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành, dày 330 trang, gồm 21 chương và 5 phần bình luận bằng thơ, kể về Chiến dịch Điện Biên Phủ từ những ngày đầu đến lúc kết thúc chiến tranh và cuộc sống hôm nay trên vùng đất thiêng ấy. Tác giả sử dụng lời thơ mộc mạc, ý tứ sâu sắc, thể thơ bát ngôn dễ đọc, dễ hiểu.
Ra mắt tác phẩm này, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, ý định viết về chiến công lịch sử này đến với ông từ năm 2001, sau khi đọc tập hồi ức “Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nhà văn Hữu Mai thể hiện.
“Tác phẩm của Đại tướng đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho tôi. Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã đi đến quyết định phải viết một cái gì đó về Điện Biên Phủ. Trước khi bắt tay vào công việc khó khăn này, tôi đã nhiều lần lên Điện Biên, đến các địa danh lịch sử, gặp gỡ một số cán bộ, chiến sĩ đã từng tham gia và chiến đấu ở Điện Biên, đọc rất nhiều sách báo trong và ngoài nước viết về chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong thời đại Hồ Chí Minh”, nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.
Để tôn trọng tính chân thực lịch sử, trong tập trường ca, nhà thơ kỳ cựu đã sử dụng một số chi tiết trong cuốn sách của Đại tướng với hy vọng làm tăng thêm tính sử thi của tác phẩm.
Trường ca thơ Giao hưởng Điện Biên được nhà thơ Hữu Thỉnh khởi bút vào đúng ngày 7-5-2023. Sau gần một năm, tác phẩm được hoàn thành với tâm huyết, trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, viết về lịch sử thì quan trọng hàng đầu là phải tôn trọng sự thật lịch sử. Ông muốn đặt Chiến thắng Điện Biên Phủ đúng với hoàn cảnh lịch sử và những suy cảm của một người làm thơ sau độ lùi 70 năm. Chính vì thế, trong trường ca này, bạn đọc cảm thấy những sự kiện lịch sử được gia công hơn so với sự bay bổng, cất cánh.
Cũng do quan niệm thay đổi, nhà thơ Hữu Thỉnh tiết lộ, trong “Giao hưởng Điện Biên”, ông dành một chương mở đầu để viết về chuyện đi xuất ngoại bí mật của Bác Hồ đầu năm 1950, tiếp đó là Chiến dịch Biên giới. “Tôi nghĩ nếu không có thành công của hai sự kiện trên thì chúng ta gặp vô vàn khó khăn để đánh thắng một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh như Điện Biên Phủ”, nhà thơ bộc bạch.
Chia sẻ tại buổi ra mắt trường ca, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định, trường ca “Giao hưởng Điện Biên” là một tác phẩm long trọng và kỳ vĩ về Chiến dịch và Chiến thắng Điện Biên Phủ.
“Viết trường ca ở tuổi ngoài 80, có thể nói, nhà thơ Hữu Thỉnh đã vượt qua nhiều thách thức, bởi sự kiện đã cách thời đại hôm nay 70 năm. Với tài năng và tâm huyết, nhà thơ Hữu Thỉnh đã tái hiện, làm sống dậy Chiến thắng Điện Biên Phủ một cách đầy đủ, sâu sắc và kỳ vĩ bằng những câu thơ đẹp đẽ, xúc động, đầy tính lan tỏa. Đây là một tác phẩm giá trị của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam đương đại, xứng đáng với tầm vóc của chiến dịch lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhận định.
Tại buổi ra mắt trường ca, nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình và văn nghệ sĩ đã chia sẻ cảm xúc về tác phẩm, đọc các chương xúc động trong “Giao hưởng Điện Biên”.