Kinh tế

Tỷ giá tăng “nóng” tác động đến nền kinh tế ra sao?

Hà Linh 17/04/2024 - 15:50

Kể từ đầu năm, đặc biệt là từ đầu tháng 4-2024, tỷ giá USD liên tục tăng “nóng” khiến nhiều người lo ngại về những tác động thiếu tích cực tới nền kinh tế.

Do yếu tố nội tại

Ngày 17-4, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố là 24.231 VND/USD; tỷ giá tham khảo giữa đồng Việt Nam và các loại ngoại tệ tại Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước là 23.400 VND/USD (mua vào) - 25.392 VND/USD (bán ra).

Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá cũng được niêm yết theo hướng tăng. Trong đó, tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD: 25.100 VND/USD (mua vào) - 25.440 VND/USD (bán ra), tăng 48 VND/USD so với ngày 17-4.

anh-.jpg
Ảnh minh họa.

Trên thị trường thế giới, Chỉ số Dollar Index (DXY), đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), đã dừng ở mức 106,36 điểm - tăng 0,14% so với giao dịch ngày 16-4. Đồng USD đạt mức cao nhất trong 5 tháng so với đồng Euro trong phiên hôm nay sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết có thể cần phải duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn vì lạm phát vẫn ở mức cao. Đồng bạc xanh cũng đạt mức cao nhất so với đồng Yen Nhật kể từ năm 1990, khiến các nhà giao dịch cảnh giác về khả năng can thiệp của chính quyền Nhật Bản.

Theo các chuyên gia tài chính, biến động trên thị trường ngoại hối những tháng đầu năm 2024 mạnh và khác với cùng kỳ năm 2023 bởi tỷ giá tăng do yếu tố nội tại nhiều hơn. Thực tế, diễn biến trên thị trường cho thấy USD không quá mạnh, mà vấn đề chính là do cầu ngoại tệ tăng vì Việt Nam tăng nhập khẩu.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay, tỷ giá năm 2023 có những lúc sôi động và việc điều hành tỷ giá cũng đã có lúc khó khăn. Nền kinh tế nước ta có độ mở rất lớn trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và nhiều hoạt động giao dịch vốn với quốc tế. Đầu năm 2024, trong quý I, tỷ giá cũng "nóng" thêm. Đây là một trong những vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước cho rằng rất đáng được quan tâm, cần được điều hành một cách tập trung.

Bảo đảm trạng thái “dương” của ngoại tệ

Nguyên nhân của biến động tỷ giá được Phó Thống đốc Đào Minh Tú chỉ ra, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa đưa ra được thời điểm cụ thể có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc hạ lãi suất. Chính vì thế, giá trị đồng USD trong những ngày vừa qua tăng rất cao.

Đồng USD tăng giá sẽ tác động đến giảm giá của các nước khác trên thế giới và trong khu vực, từ đó có tác động đến đồng tiền của Việt Nam trong quan hệ tỷ giá với USD. Ngoài ra, chính sách hạ lãi suất của Việt Nam có thể nói là rất mạnh trong thời gian vừa qua, đã tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa đồng Việt Nam và USD trên thị trường liên ngân hàng, tiếp tục duy trì âm, nghĩa là lãi suất Việt Nam thấp hơn so với lãi suất đồng USD trên thị trường. Chính điều đó cũng là một trong những áp lực làm đồng USD "nóng" lên.

Hơn nữa, trong 3 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu tương đối lớn, vì thế nhu cầu ngoại tệ cũng nhiều hơn giai đoạn trước đây. Ngoài ra cũng có một số chính sách khác có thể tác động lên chính sách tỷ giá.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 3-2024 đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% so với tháng 2 và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 34 tỷ USD, tăng tới 37,8% so với tháng trước và tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 33,4% so với tháng trước và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý I-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5%. Bên cạnh đó, giá vàng trong nước chênh lệch cao hơn so với giá vàng quốc tế dẫn đến tăng cầu; tín dụng vẫn yếu; lãi suất qua đêm thấp, dẫn đến hoạt động kinh doanh chênh lệch lãi suất lại được đẩy mạnh.

Giải pháp được Ngân hàng Nhà nước đưa ra là phát hành tín phiếu sau 4 tháng tạm dừng để ổn định tỷ giá. Cụ thể, ngày 11-3, Ngân hàng Nhà nước đã chào bán tín phiếu và đến ngày 26-3, tốc độ hút tiền giảm nhẹ khi chỉ có 3.700 tỷ đồng được rút khỏi hệ thống thông qua công cụ tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày. Như vậy, kể từ khi khởi động lại kênh tín phiếu, Ngân hàng Nhà nước đã hút về tổng cộng gần 156.000 tỷ đồng và chưa có động thái bơm thêm, trong khi lô tín phiếu đầu tiên đến ngày 8-4-2024 mới đáo hạn.

Song, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhận định, tỷ giá vẫn duy trì được sự ổn định và vẫn đảm bảo được thị trường ngoại tệ thông thoáng. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước luôn bảo đảm trạng thái “dương” về ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại và nền kinh tế; đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đây là sự ổn định lớn mà Việt Nam đang duy trì được.

Ngoài các công cụ điều hành chính sách tiền tệ nói chung, Ngân hàng Nhà nước sẽ tuyên truyền để tạo niềm tin cho thị trường; tránh tình trạng và tâm lý găm giữ ngoại tệ. Bởi trên thực tế, lượng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp cuối cùng cần thiết vẫn can thiệp để đảm bảo được sự ổn định.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành theo cơ chế linh hoạt, bảo đảm để tỷ giá có thể lên xuống phù hợp với xu thế chung và cũng để đạt được mục tiêu đặt ra, đó là sự ổn định, đảm bảo hài hòa, cân đối ngoại tệ cho các nhu cầu hợp pháp của nền kinh tế.