Công nghệ

Công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư/năm

Thu Hằng 17/04/2024 - 13:40

Ngày 17-4, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo “Định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ và phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam”.

2(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Thu Hằng

Phát biểu khai mạc hội thảo, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nêu rõ: Công nghiệp bán dẫn đang có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế thế giới, với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, có tiềm năng nâng cao vị trí trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Việt Nam cũng xác định “công nghệ sản xuất chip vi điều khiển, linh kiện bán dẫn…” là một trong những công nghệ lõi được định hướng phát triển trong thập kỷ tới.

3.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Thu Hằng

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Cương, Trưởng ban Công nghệ bán dẫn Tập đoàn Viettel cho biết, với sứ mệnh “tiên phong xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn Việt Nam”, Viettel đã tham gia ngành công nghiệp bán dẫn trong 2 lĩnh vực: Thiết kế, sản xuất bán dẫn.

Để nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Cương khuyến nghị Nhà nước cần đẩy mạnh đầu tư thiết lập các trung tâm nghiên cứu công nghệ cao và hỗ trợ tài chính cho các dự án nghiên cứu phát triển, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và logistics để hỗ trợ ngành bán dẫn; xây dựng và thực thi chính sách ưu đãi thuế, cung cấp các gói tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn...

PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để nâng cao năng lực công nghệ của Việt Nam trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, cần thực hiện 6 trụ cột chiến lược như: Đẩy mạnh việc thu hút FDI, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược, có vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch bán dẫn “Made in Vietnam” phục vụ cho các thị trường ngách trong nước, từng bước hướng đến xuất khẩu; tuân thủ các quy định quốc tế khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu về vi mạch bán dẫn…

4.jpg
PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Thu Hằng

PGS.TS Trương Việt Anh, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam cần 10.000 kỹ sư mỗi năm. Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo và nghiên cứu trong mọi khâu: Thiết kế, sản xuất và phát triển ứng dụng.

Bên cạnh những điểm mạnh như: Chất lượng sinh viên đầu vào tốt; có đội ngũ cựu sinh viên đông đảo, có vị trí trong các doanh nghiệp vi mạch; có mạng lưới hợp tác doanh nghiệp bán dẫn trong đào tạo, nghiên cứu… thì cơ sở vật chất chuyên sâu cho chip bán dẫn thiếu…

Đại học Bách khoa Hà Nội phấn đấu đến năm 2023 trở thành trung tâm nghiên cứu mạnh về công nghệ bán dẫn trong khu vực, hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, tập trung phát triển các công nghệ lõi về vi mạch và chip bán dẫn…

Theo PGS.TS Trương Việt Anh, để đạt được mục tiêu này, trường cần phát triển nguồn lực nghiên cứu, phát triển cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu và đào tạo chuyên sâu, do đó mong có sự quan tâm của Nhà nước (các chương trình đầu tư trọng điểm, cơ chế tài chính ưu đãi theo mục tiêu để triển khai, thực hiện), của doanh nghiệp/tư nhân (giúp xã hội hóa nguồn kinh phí cho nghiên cứu và R&D), đặc biệt là cần sự bảo đảm về rủi ro trong nghiên cứu và hỗ trợ đầu tư phát triển tài sản trí tuệ, sở hữu trí tuệ quốc tế.